Những hành vi bị cấm
Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng, Dự thảo Nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh sân golf đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và đưa ra lấy ý kiến công luận. Hàng loạt điều kiện kinh doanh đối với sân golf - lĩnh vực đầu tư, kinh doanh đang được quản lý bằng quy hoạch - đã hé lộ.
Đúng như ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sân golf đã được dự thảo theo hướng “rất chặt chẽ, đảm bảo tài nguyên đất đai được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả”.
Cụ thể, có tới 7 hành vi được Dự thảo Nghị định quy định là bị cấm.
Thứ nhất, xây dựng sân golf khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Thứ hai, sử dụng đất sân golf không đúng mục đích.
Thứ ba, kinh doanh sân golf và các dịch vụ liên quan không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, nghị định này và pháp luật có liên quan.
Thứ tư, lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động đánh bạc trái phép.
Thứ năm, cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Thứ sáu, không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Thứ bảy, các hành vi bị cấm khác theo quy định pháp luật.
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, mỗi lỗ golf không được sử dụng quá 5 ha đất; diện tích xây dựng sân golf lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ).
Điều quan trọng, không được sử dụng đất xây dựng sân golf và công trình phụ trợ để xây dựng nhà ở thương mại hoặc sử dụng vào mục đích khác. Không được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng sân golf đã phê duyệt để xây dựng nhà ở thương mại.
Thời gian xây dựng và đưa vào hoạt động dự án sân golf không được quá 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư nhận được quyết định giao đất, cho thuê đất. Đồng thời, nhà đầu tư phải cam kết hỗ trợ tái định cư, bố trí việc làm cho người bị thu hồi đất theo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Cũng theo Dự thảo Nghị định, các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf bao gồm: đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thuộc quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đất rừng tự nhiên thuộc quy hoạch; đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa một số vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao và đáp ứng điều kiện về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định của pháp luật…
Ngay cả đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị cũng không được phép xây dựng sân golf. Ngoài ra, sân golf phải được xây dựng ở các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, vùng đất cát hoang hóa ven biển, đất đồi núi trọc, hoang hóa…
Ràng buộc lớn, quản lý chặt
Thực tế, đề xuất quản lý đầu tư, kinh doanh sân golf bằng điều kiện kinh doanh đã bắt đầu từ 4 năm trước, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, “quản” sân golf bằng quy hoạch có những điểm rất bất cập.
Chẳng hạn, trong số hàng chục sân golf nằm trong quy hoạch, chỉ có phân nửa được xây dựng và đi vào hoạt động. Phần còn lại, khá nhiều sân golf dù đã trong quy hoạch, nhưng không đủ điều kiện kinh doanh, không đủ điều kiện để phát huy lợi nhuận đầu tư, nên không được nhà đầu tư thực hiện...
Hơn thế, việc quản lý đầu tư, kinh doanh sân golf bằng quy hoạch là phi thị trường. Khi Luật Quy hoạch được thông qua, một trong những cải cách quan trọng là bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm, nên việc xây dựng các điều kiện đầu tư, kinh doanh cho sân golf trở thành một đòi hỏi bức thiết.
“Việc quản lý sân golf theo điều kiện kinh doanh sẽ đảm bảo vừa tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa có đầy đủ các công cụ quản lý nhà nước, qua đó có thể phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời tránh được việc lạm dụng, sử dụng không hiệu quả quỹ đất, gây ra các hệ lụy và tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay từ thời điểm kế hoạch xây dựng các điều kiện kinh doanh cho sân golf mới vừa bắt đầu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nhất là những chủ đầu tư thực sự có ý định đầu tư, kinh doanh nghiêm túc sân golf, đã tỏ ra vui mừng. Theo họ, xây dựng sân golf phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chứ không thể theo một quy hoạch tĩnh.
“Trong kinh tế thị trường, không thể quản lý một cách duy ý chí. Dù phát triển ngành nghề gì, thì cũng phải bám sát cung - cầu thị trường. Nếu quy hoạch cứng thì sẽ kẹt”, lãnh đạo sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) nói.
Quản lý bằng điều kiện kinh doanh, dù rất “mở”, nhưng cũng rất “chặt”, bởi nhà đầu tư muốn đầu tư, kinh doanh sân golf sẽ phải cam kết thực hiện nhiều quy định pháp luật, từ việc phải nhanh chóng đưa sân golf vào xây dựng, đến việc không được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng sân golf đã phê duyệt để xây dựng nhà ở thương mại…
Hơn thế nữa, theo quy định tại Dự thảo Nghị định, Thủ tướng Chính phủ vẫn sẽ chịu trách nhiệm quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sân golf. Do vậy, cũng không phải e ngại tình trạng địa phương cấp một cách tràn lan các dự án sân golf.
Sau Quyết định 1946/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, với tổng cộng 89 sân golf nằm trong quy hoạch, tháng 5/2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định 795/QĐ-TTg ban hành mới danh mục các dự án sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020. Trong đó, loại 9 dự án cũ, thêm 15 dự án mới, tổng cộng Việt Nam có 96 dự án sân golf trong quy hoạch.
Trong 4 năm qua, Chính phủ đã quyết định bổ sung thêm nhiều dự án sân golf vào quy hoạch, trong đó có các dự án sân golf Kênh Gà - Vân Trình (tỉnh Ninh Bình), FLC Quảng Bình Golf Links (tỉnh Quảng Bình), sân golf Bến En (Thanh Hóa), sân golf Việt Yên (tỉnh Bắc Giang)…