Quá trình bán rẻ 32 ha đất công xảy ra tại Công ty Tân Thuận

0:00 / 0:00
0:00
Theo lời khai của bị cáo Trần Công Thiện, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận, vào thời điểm đó, Công ty không đủ tiền để triển khai dự án nên mới “bắt tay” với doanh nghiệp bên ngoài.
Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Ngày 12/10, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM) và 9 đồng phạm liên quan sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông, quận 7.

Trả lời trước đó tại tòa, bị cáo Trần Công Thiện, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận khai, đối với dự án Phước Kiển, bị cáo không nhớ ai đã cung cấp thông tin cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, mà chỉ nhớ Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển.

“Thời điểm đó, do Công ty Tân Thuận không đủ năng lực để thực hiện dự án, trong khi tổng kinh phí thực hiện hơn 6.000 tỷ đồng, theo quy định vốn chủ sở hữu phải là 1.200 tỷ đồng. Thế nhưng, vốn điều lệ của Tân Thuận lúc đó chỉ có 162 tỷ đồng và không có tiền mặt, nên không thể chứng minh năng lực tài chính để triển khai dự án. Do đó, khi Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị đầu tư với tỷ lệ 75/25, bị cáo mới về xem lại năng lực công ty, bị cáo thấy có nhiều dự án tiềm năng nên muốn hợp tác”, bị cáo Thiện trình bày.

Cũng theo bị cáo Trần Công Thiện, ban đầu, Công ty Tân Thuận đề nghị hợp tác với Quốc Cường Gia Lai theo tỷ lệ 70/30 rồi trình lên chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy TP.HCM xem xét. Sau đó, Công ty Tân Thuận đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích hơn 324.000 m2 trị giá hơn 419 tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai.

Tương tự, tại Dự án Khu dân cư Ven Sông, bị cáo Trần Công Thiện khai việc chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp cho Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2 là bởi Công ty Tân Thuận không còn khả năng thực hiện dự án này.

Đối với 10% còn lại, phía Công ty Tân Thuận đã gửi Văn phòng Thành ủy TP.HCM xin chủ trương phân chia tài sản bằng hình thức hoán đổi 10% vốn góp thành sàn căn hộ và thuận chủ trương chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.

Theo bị cáo Trần Công Thiện, hợp đồng chuyển nhượng dự án này về bản chất là hợp đồng hợp tác vì không đủ điều kiện chuyển nhượng, chủ sở hữu cũng chỉ cho hợp tác.

“Trong hợp đồng có phần sai sót, lúc đó bị cáo suy nghĩ chuyển nhượng thì chuyển phần góp vốn chứ tại sao lại chuyển nhượng đất được”, ông Thiện nói và cho biết Công ty Tân Thuận không có tài chính, nên buộc phải chuyển nhượng dự án cho người khác để lấy tiền chênh lệch.

Theo đó, Công ty Tân Thuận căn cứ vào chứng thư thẩm định giá xác định giá trị bình quân khu đất là hơn 17,6 triệu đồng/m2 để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai vào thời điểm tháng 11/2017.

Tuy nhiên, để nhận tiền chênh lệch, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng với mức giá chênh lên là 20 triệu đồng/m2, từ đó gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lên đến hơn 532,6 tỷ đồng. Tổng thiệt hại ở cả 2 dự án được xác định là hơn 735 tỷ đồng.

Không chỉ thiếu trách nhiệm trong việc duyệt chủ trương cho 2 dự án kể trên, bằng cách thức tương tự khi bán rẻ 9 triệu cổ phần tại các Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, bị cáo Tất Thành Cang mới đây cũng đã bị tuyên án 8 năm 6 tháng tù giam do hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”.

Tin bài liên quan