Qua thời “Stay at home”, văn phòng cho thuê lại sáng đèn

Qua thời “Stay at home”, văn phòng cho thuê lại sáng đèn

(ĐTCK) Dù không bị tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, nhưng thị trường văn phòng cho thuê trong thời gian qua cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành nhận định rằng, thị trường sẽ sớm “ấm” lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tác động ngắn hạn

Theo báo cáo mới đây của Savills, do tác động của dịch Covid-19 nên hầu hết người lao động tại các công ty được khuyến khích làm việc từ nhà hoàn toàn hoặc luân phiên, khiến nhiều nơi làm việc đóng cửa tạm thời, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các hợp đồng văn phòng cho thuê. Đặc biệt, nguồn cầu đối với phân khúc văn phòng chia sẻ (Coworking) đã giảm đáng kể vì dễ bị tác động bởi đại dịch với thời hạn thuê ngắn và hợp đồng linh hoạt.

Theo đó, tổng nguồn cung của thị trường Hà Nội trong quý I/2020 đạt khoảng 1,8 triệu m2, giảm (-) 1% theo quý và tăng 3% theo năm. Hạng B tiếp tục chiếm lĩnh với 47%, theo sau là hạng C với 28%. Dự báo, đến năm 2022, nguồn cung mới sẽ có khoảng 272.000 m2 gia nhập, chủ yếu thuộc Hạng A.

Tại TP.HCM, theo báo cáo CBRE Việt Nam, tính đến cuối quý I/2020, thị trường văn phòng TP.HCM có thêm một nguồn cung hạng B mới là tòa nhà Friendship Tower, có tổng diện tích cho thuê là 13.700 m2. Với tòa nhà mới này, tổng nguồn cung thị trường văn phòng TP.HCM đạt 1.370.814 m2 diện tích thực thuê (NLA).

Trong quý I/2020, giá thuê trung bình văn phòng hạng A ghi nhận ở mức 44,6 USD/m2/tháng, giảm 1,2% so với quý trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của CBRE, việc giảm giá thuê này phần lớn là do ở một vài tòa nhà có khách thuê chuyển đi và chủ nhà giảm giá nhằm thu hút khách thuê mới lấp đầy diện tích trống.

Đối với phân khúc hạng B, vì có thêm nguồn cung mới ở khu vực trung tâm và giá thuê cao hơn so với mặt bằng chung, nên giá thuê trung bình của phân khúc hạng B tăng lên 1,8% so với quý IV/2019 và tăng lên 7,4% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 25,2 USD/m2/tháng.

“Có một số giao dịch đã bị tạm hoãn hoặc hủy vào cuối quý I/2020 do các khách thuê là công ty nước ngoài gặp khó khăn trong việc đi lại. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc thị trường khó hấp thụ được diện tích mới. Do đó, tỷ lệ trống của thị trường vẫn sẽ tăng cho dù dịch bệnh có kết thúc sớm hay muộn”, đại diện CBRE chia sẻ.

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường văn phòng có thể được định hình lại từ các xu hướng mới khi khách thuê đề cao các phương pháp làm việc linh hoạt hơn như phân bổ nhân lực ra nhiều văn phòng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.

- Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam

Trên cương vị của một đơn vị cung ứng cho thuê văn phòng, toà nhà…, ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch Công ty VN Office (VNO) chia sẻ, việc kinh doanh cho thuê văn phòng phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng. Khi khách hàng (PV- doanh nghiệp) gặp khó khăn, không có thu nhập nhưng vẫn phải chịu các chi phí vận hành thì buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí. Mà chi phí được cắt giảm đầu tiên là tiền thuê văn phòng.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Hương, chủ một công ty chuyên kinh doanh cho thuê văn phòng thứ cấp tại quận Bình Thạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng khách hàng mới của Công ty sụt giảm khoảng 40 - 50% so với năm ngoái. Chưa kể những khách hàng cũ thì cũng đang hoạt động cầm chừng, luôn đề nghị công ty giảm giá thuê mặt bằng. Trong khi đó, phía chủ tòa nhà thì lại không có động thái giảm giá thuê cho công ty mình.

“Áp lực tài chính đối với công ty lúc đó là rất lớn nên phải khắc phục bằng cách cho nhân viên nghỉ luân phiên và giảm 20% lương hàng tháng để cầm cự”, bà Hương nói và cho biết thêm, đây chỉ là những tác động ngắn hạn. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, mọi thứ đều trở lại quỹ đạo ban đầu.

Sẵn sàng để trở lại

Không phủ nhận tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với thị trường văn phòng cho thuê. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các doanh nghiệp kinh doanh phân khúc này cũng đã bắt tay vào việc lên kế hoạch và định ra phương hướng kinh doanh cho doanh nghiệp của mình.

Cụ thể, bà Vũ Thị Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần Replus cho biết, sau thời gian ở nhà vì thực hiện lệnh giãn cách xã hội, giờ là lúc doanh nghiệp phải bung ra, vượt thách thức để đón cơ hội. Cụ thể, sau đại dịch, Công ty sẽ tập trung phát triển xu hướng cho thuê văn phòng ảo. Bởi với mô hình văn phòng ảo, doanh nghiệp sẽ được cung cấp một địa chỉ hợp pháp để làm địa chỉ kinh doanh và gặp đối tác.

Qua thời “Stay at home”, văn phòng cho thuê lại sáng đèn ảnh 1

Ảnh: Lê Toàn

“Tính chung mọi ngành nghề hiện nay, hầu hết các ông chủ đều quan tâm đến hiệu quả công việc thay vì kiểm soát nhân viên đến văn phòng bao lâu. Chính vì thế, với mô hình này doanh nghiệp sẽ tiết kiệm kha khá chi phí, nhân viên có thể tác nghiệp ở nhà, quán cafe, trên xe taxi… thay vì đến công ty như trước kia”, bà Phượng nói và cho biết thêm,

Khi sử dụng dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ sở hữu những địa chỉ “đắc địa” tại trung tâm thành phố nhưng vẫn tiết kiệm được chi phí, đồng thời lại tăng hiệu quả giao dịch với khách hàng.

Bên cạnh đó, dịch vụ này còn có các gói phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Từ Freelancer, Startup đến những doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đều sẽ được cung cấp văn phòng cao cấp và đầy đủ tiện nghi. Khi sử dụng mô hình này, khách hàng sẽ được sử dụng phòng họp sang trọng, khu vực tiếp khách cao cấp, internet wifi, điện nước miễn phí…

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần CEKS Tư vấn đầu tư thương mại chia sẻ, Công ty đang phát triển hệ thống quản lý cho thuê trên cơ sở nhận góp vốn của đối tác bằng chính hạ tầng cho thuê. Do vậy, những rủi ro mà hệ thống gặp phải sẽ được Công ty và đối tác san sẻ. Công ty cũng hướng đến phát triển dịch vụ cho thuê nhân sự, văn phòng và máy móc, thiết bị họp trực tuyến để khách hàng kết nối mạng lưới của mình ở các tỉnh, thành phố.

Còn theo bà Hương, việc đầu tư vào văn phòng thông minh 4.0 là một trong những tiêu chí thay đổi đầu tiên của doanh nghiệp. Bởi trong thời điểm hiện tại thì việc đầu tư vào công nghệ sẽ làm thay đổi lớn trong phương thức làm việc và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp với nhau.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, từ cuối năm 2019 cho đến nay, thị trường văn phòng cho thuê đã có thêm nhiều tay chơi mới như Viet Office, HPP Office, Sabay… Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp trước giờ chỉ phát triển dự án bất động sản như Công ty An Gia thì nay cũng đã lấn sân sang mảng cho thuê văn phòng.

Đánh giá về thị trường trong thời gian tới, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường văn phòng có thể được định hình lại từ các xu hướng mới. Khách thuê có thể sẽ đề cao các phương pháp làm việc linh hoạt hơn như thuê các không gian làm việc chung hoặc phân bổ nhân lực ra nhiều văn phòng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.

Thêm vào đó, các khách thuê cũng bắt đầu quan tâm hơn về yếu tố sức khỏe của nhân viên thông qua việc lựa chọn các mặt bằng văn phòng ở những tòa nhà có chất lượng cao thay vì chỉ quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí như trước đây. Các tòa nhà đạt chứng chỉ xanh (LEED-certified) hội tụ đủ các yếu tố về môi trường, không gian thông thoáng đảm bảo không khí và ánh sáng đến nơi làm việc, tiết kiệm năng lượng sẽ được chú trọng nhiều hơn trong tương lai.

Tương tự, bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao tại thị trường Việt nam của JLL cũng cho biết, sau khi đại dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp có thể cho phép nhân viên lựa chọn địa điểm tùy theo nhu cầu công việc. Đồng thời, các chính sách mới về sức khỏe và vệ sinh cần được ưu tiên hàng đầu, chẳng hạn như việc nâng cao chất lượng không khí trong văn phòng, cung cấp các dung dịch vệ sinh cho bàn ghế, điện thoại, chuột và bàn phím…

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan