Vàng, ngoại tệ “nóng” theo căng thẳng ở biển Đông
Tuần qua, thị trường tiền tệ đã chứng kiến những diễn biến khá bất thường của vàng và ngoại tệ.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng mạnh một phần do tác động của giá thế giới, song một phần quan trọng vì những căng thẳng trên biển Đông, khi Trung Quốc vi phạm trắng trợn vùng biển của Việt Nam, khiến làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra ở nhiều nơi.
Hiện tượng mua gom vàng, thiếu vàng cục bộ đã chấm dứt khi Chính phủ và các địa phương vào cuộc xử lý tình trạng quá khích trong biểu tình chống Trung Quốc. Thế nhưng, giá vàng vẫn đang ở thời điểm rất “nhạy cảm”, khi mua vào nhiều hơn bán ra. Cuối tuần qua, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đang theo dõi sát tình hình, nếu nhu cầu vàng tăng đột biến, có hiện tượng thiếu cung, thì NHNN sẽ tổ chức đấu thầu vàng.
Lãnh đạo NHNN nhận định, giá vàng trong nước tăng những ngày qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý. “Yếu tố tâm lý đã đẩy giá vàng trong nước lên quá cao. Vì vậy, nếu NHNN đẩy nguồn cung ra thị trường, giá vàng sẽ hạ xuống, khi đó người dân sẽ chịu rủi ro lớn”, vị lãnh đạo này khuyến cáo.
Cũng giống vàng, tuần qua, thị trường ngoại tệ liên tục tăng vọt. Trong ngày cuối tuần (17/5), tỷ giá đã tăng lên 21.200 đồng/USD, mức cao nhất trong vòng gần 10 tháng qua. Trên thị trường tự do, giá USD thậm chí lên tới 21.300 đồng/USD.
Theo chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá USD tăng là do người dân đua nhau mua và tin rằng, giá USD còn tăng tiếp do căng thẳng chính trị.
Các ngân hàng thương mại cũng cho hay, thời gian qua, giao dịch ngoại tệ của khối doanh nghiệp vẫn khá ổn định. Tỷ giá “nóng” chủ yếu là do nhu cầu mua vào của dân cư tăng nhanh, trong khi người bán lại chần chừ.
Găm vàng, ngoại tệ: rủi ro rất lớn
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh hiện nay, người dân mua ngoại tệ theo tâm lý đám đông rất dễ bị thiệt hại.
“Với dự trữ ngoại hối của NHNN hiện nay rất dồi dào, một khi NHNN bán ra để can thiệp thị trường, thì giá USD sẽ đảo chiều rất nhanh”, TS. Hiếu khuyến cáo.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV cũng cho rằng, với tiềm lực hiện nay, NHNN hoàn toàn có đủ sức bình ổn thị trường ngoại hối. Ngoài dự trữ ngoại hối dồi dào, việc xuất siêu những tháng gần đây cũng tạo thêm cơ sở cho NHNN ổn định tỷ giá.
Trong khi đó, theo các DN kinh doanh vàng, tuần qua, giá vàng tăng khá mạnh, song áp lực giảm giá của vàng rất lớn, khi thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu phục hồi. Thêm vào đó, NHNN có thể bơm vàng đấu thầu ra bất cứ lúc nào. Thực tế chứng minh, mua vàng vào thời điểm giá sốt không phải là quyết định khôn ngoan.
Có thể nói, những biểu hiện sốt giá trên thị trường vàng, ngoại tệ tuần qua có nhiều nguyên nhân tâm lý hơn là yếu tố thị trường. Do đó, mua gom vàng, ngoại tệ thời điểm này, người dân dễ gặp rủi ro. Chưa kể, những năm gần đây, Chính phủ và NHNN đã rất nỗ lực trong ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, xây dựng niềm tin với tiền đồng.
Trong thông cáo báo chí phát đi cuối tuần qua, NHNN khuyến cáo người dân không nghe tin đồn thất thiệt, xúi bẩy, kích động của các phần tử xấu, thận trọng khi quyết định các giao dịch mua, bán ngoại tệ và vàng, tiền gửi để tránh những thiệt hại kinh tế không đáng có cho bản thân và cả xã hội.
Theo NHNN, những ngày qua, dù diễn biến trên biển Đông rất phức tạp, song thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng về cơ bản vẫn ổn định. Hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động bình thường, an toàn, thông suốt. NHNN đang theo dõi sát tình hình và sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng.