Quá nhiều tin tốt lại thành… tin xấu

(ĐTCK-online) Thị trường đột ngột đổi chiều ngay sau khi nhận được những tin tốt về nền kinh tế như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng chậm lại và giảm giá xăng. Đây dường như là một biểu hiện của tình trạng "quá nhiều tin tốt thì thành tin xấu".

Thị trường giảm giá ngay sau tin tốt

Ngay sau khi nhận được tin giảm giá xăng vào ngày 27/8, thị trường đã quay đầu giảm giá. Trước đó không lâu, vào ngày 25/8, CPI tháng 8 cũng được công bố khá lạc quan, chỉ ở mức 1,56%, thấp hơn nhiều so với lo ngại của một số NĐT và nhà phân tích. Vậy, tại sao sau khi nhận được hai tin tốt, thị trường lại giảm?

Chính những kỳ vọng trước đó của nhiều NĐT về một chỉ số CPI thấp và giá xăng sẽ giảm là nguồn gốc của việc nhiều người mua vào cổ phiếu ở mức giá còn hợp lý và kỳ vọng giá sẽ tăng nhiều khi thông tin tốt được công bố. Và những người "đặt cược" vào thông tin tốt này lại sớm nhận ra rằng, sau khi hai tin tốt kia được công bố, họ không còn cơ sở quan trọng nào để tăng cường thu gom cổ phiếu nữa, mà có lẽ nên bán kiếm lời. Do đó, thị trường đã quay đầu ngay sau tin tốt. Đây là trường hợp quá nhiều tin tốt là tin xấu, hay là trường hợp "giá chạy trước tin" mà một số NĐT hay nói khi đề cập đến những diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế, điển hình là cách mà NĐT trên thị trường tiền tệ phản ứng trước các tin tức kinh tế, hay họp hành của các ngân hàng trung ương được công bố.

Tin tốt: tưởng vậy mà không phải vậy

Một khía cạnh khác đẩy thị trường quay đầu giảm giá đó là việc các NĐT đã nhìn nhận lại khía cạnh "tốt" của tin giảm giá xăng dầu vào ngày 27/8 và tin về CPI trước đó. Thứ nhất, về phía giá xăng dầu, chúng ta có thể thấy là đi kèm với quyết định giảm giá xăng dầu ngày 27/8 là quan điểm của cơ quan điều hành, nếu giá xăng dầu thế giới có giảm nữa thì sẽ tính đến tăng thuế chứ chưa phải là giảm giá tiếp. Và hiện nay, bắt đầu từ ngày 15/9, thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ tăng lên 5% thay vì giảm giá xăng tiếp, cho dù giá dầu thế giới đang tiếp tục nhắm tới mục tiêu phá vỡ mức cản dưới 100 USD/thùng.

Như vậy, tính ra chuyện giảm giá xăng dầu vừa rồi tưởng tốt mà chưa đủ tốt để đẩy thị trường đi lên nữa. Và các NĐT sớm nhận ra mình đã kỳ vọng quá nhiều vào chuyện này. Do đó, nhiều người đã quay lại thực hiện bán cổ phiếu kiếm lời vì không còn thấy có tin tốt nào sắp diễn ra nữa. Nói cách khác, NĐT đã kỳ vọng quá nhiều vào những thông tin xăng dầu và nhanh chóng thất vọng vì tin tốt đó "coi vậy mà không phải vậy". Nói cách khác, so với giai đoạn trước khi tăng mạnh giá xăng dầu vào ngày 21/7, thì giá xăng vẫn tăng đáng kể, ví dụ như xăng A92 thực chất vẫn tăng từ 14.500 lên 17.000 đồng.

Điểm thứ hai là mặc dù mức tăng CPI trong tháng 8 thấp hơn dự đoán của nhiều người, thì CPI so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng đến 28%. Khi các NĐT trở nên lạc quan thì không có vấn đề gì với con số xấp xỉ 30% này, nhưng khi họ hơi cảm thấy lo lắng vì không còn tin gì tốt trước mắt, thì sẽ quay lại lo lắng về chuyện giá cả và lại nhận ra rằng, có thể cơ quan điều hành sẽ không nhanh chóng nới lỏng chính sách tiền tệ cho nền kinh tế.

Khi tất cả tin tốt mà NĐT chờ đợi để đẩy thị trường lên được công bố dồn dập, sự hưng phấn của họ sẽ chuyển sang lo lắng khi nhìn về phía trước và thấy không có nhiều tin tốt nữa, trong khi đó, lại kịp nhìn thấy những mặt ít tích cực hơn của các tin này. Rồi khi nhìn lại thì giá cổ phiếu cũng không phải là quá rẻ nữa. Thế là, do trạng thái tâm lý đã dần quen với các tin tốt, chỉ cần có những yếu tố bất lợi chút ít thôi được nhắc tới cũng hội đủ điều kiện để NĐT… bán ra. 

Thị trường sắp tới: chờ tin hỗ trợ và quan sát biến động ở các mức cản kỹ thuật

Hiện tại, có thể thấy các NĐT cũng chưa chuyển trạng thái từ lạc quan sang bi quan mà vẫn đang trong tiến trình cơ cấu lại danh mục và hy vọng vào tin tốt mới. Ý kiến của một lãnh đạo Bộ Công thương rằng, có thể mức 100 USD là một ngưỡng mới để xem xét chuyện giảm giá dầu. Quan điểm này được nhiều NĐT quan tâm đến, khi mà hiện nay giá dầu quốc tế đang ở rất gần mức 100 USD/thùng.

Về khía cạnh phân tích kỹ thuật, mặc dù mức 500 điểm có vẻ như đã chính thức bị phá vỡ như nhận định của một số phân tích, nhưng thật ra, để khẳng định điều này thì phải quan sát thêm phiên biến động trong ngày thứ Hai tuần này, vì phiên giao dịch cuối tuần qua, việc đẩy giá xuống dưới mức 500 điểm có thể hoàn toàn là một phản ứng thái quá và là một tín hiệu bứt phá bẫy (false break), đặc biệt là khi khối lượng giao dịch sụt giảm phản ánh xu thế giảm giá đã yếu đáng kể. Mặt khác, sau khi xuống dưới 500 điểm, mức cản sắp tới của thị trường là 450 điểm cũng khá gần mức giá hiện tại và do đó, nhiều NĐT cũng sẽ quan sát kỹ mức cản này để xem đã cần phải cắt lỗ, hay nên mua tiếp để "bình quân giá". Khi mà chỉ số VN-Index giảm về gần mức 450 điểm thì cũng là lúc chỉ số RSI báo tín hiệu là thị trường bắt đầu bán ra quá nhiều và có thể khiến NĐT "sục sạo tìm kiếm" tin tức hỗ trợ để đẩy giá cổ phiếu trở lại. Do đó, khu vực cản kỹ thuật 450 điểm sắp tới sẽ là mức quan trọng mà nhiều NĐT cần quan tâm.