“Quả ngọt” từ chính sách

“Quả ngọt” từ chính sách

(ĐTCK) Hàng chục dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực kinh tế có hiệu lực thi hành trong năm 2015, theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn, hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) gặt hái nhiều “quả ngọt”, thúc đẩy nền kinh tế phát triển đột phá.

Chi phí gia nhập thị trường sẽ giảm đáng kể

Luật DN năm 2005 được xây dựng trên nguyên tắc “chọn - cho”, nghĩa là trong luật quy định những lĩnh vực được phép kinh doanh và hệ lụy của nó là DN chỉ được phép kinh doanh những ngành nghề được cấp phép. Nếu DN kinh doanh những ngành nghề không có trong giấy phép đăng ký thì bị xem là vi phạm pháp luật và có nguy cơ đối diện với tội kinh doanh trái phép. Khi thành lập DN hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh thì DN phải tự tìm hiểu và ghi đúng mã ngành theo hệ thống mã ngành kinh tế của Việt Nam. Trong trường hợp ghi không đúng, DN phải mất thời gian và công sức để làm lại hồ sơ, chưa kể trường hợp chỉ vì đăng ký một ngành nghề nào đó không có trong hệ thống mã ngành kinh tế của Việt Nam mà có thể không đăng ký kinh doanh được.

Nhưng nay, với phương pháp tiếp cận “chọn - bỏ”, nghĩa là quy định theo hướng người dân được làm những gì pháp luật không cấm và chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, Luật DN 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015) không buộc người dân phải ghi mã ngành khi đăng ký thành lập DN. Luật cũng tách biệt giữa việc đăng ký thành lập DN và việc đăng ký kinh doanh. Sau khi được thành lập, DN được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, DN phải đáp ứng các điều kiện luật định trước và trong suốt quá trình kinh doanh của mình.

Ngoài ra, Luật DN 2014 còn rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Luật không còn buộc DN phải thực hiện các thủ tục khắc dấu và đăng ký mẫu dấu tại cơ quan công an. Thay vào đó, DN tự quyết định và chịu trách nhiệm về hình thức, nội dung con dấu và chỉ phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh biết về hình thức, nội dung con dấu của DN.

Những thay đổi cơ bản trên sẽ giúp các DN tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian khi gia nhập thị trường và không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh. Một khi chi phí gia nhập thị trường thấp sẽ khuyến khích người dân đưa tiền vào thị trường thông qua việc thành lập DN, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế đất nước, chứ không đầu cơ tích trữ vào những tài sản “chết” như vàng hay USD… 

Giảm chi phí xin cấp phép xây dựng

Luật Xây dựng 2014 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015. Một trong những điểm mới của Luật là có quy định một số trường hợp không phải xin giấy phép xây dựng như: (i) công trình thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2.

Quy định này sẽ giúp DN tránh được lãng phí tiền bạc và thời gian không cần thiết trong việc xin giấy phép xây dựng, góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian cho các DN khi triển khai dự án xây dựng.  

Thông quan: nhanh, gọn, nhẹ

Luật Hải quan 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015) đã thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức kê khai truyền thống (trên giấy, bán điện tử) sang phương thức điện tử. Việc khai tờ khai trên giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định. Việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan. Cơ quan hải quan sẽ thực hiện cơ chế một cửa quốc gia trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Cơ chế này cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp.

Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp. Điều này được thực hiện một cách công khai, minh bạch trên hệ thống tích hợp và DN sẽ nhận được kết quả phản hồi từ các cơ quan chuyên trách trong thời gian nhanh nhất, không phải mất thời gian đi lại và chờ đợi thông báo kết quả kiểm tra.

Luật Hải quan 2014 cũng quy định rõ, chỉ có tờ khai hải quan mới là chứng từ bắt buộc khi làm thủ tục hải quan. Tùy trường hợp, người khai hải quan có thể nộp hoặc xuất trình chứng từ liên quan khác như: hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, các văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành... Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan có thể là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Theo đó, việc kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa là phải căn cứ vào kết quả thu thập, phân tích thông tin và đánh giá rủi ro. Cách quản lý này sẽ tạo điều kiện để cơ quan hải quan tập trung nguồn lực vào những nơi rủi ro cao, giảm kiểm tra ở những nơi rủi ro thấp.

Với những thay đổi trong phương thức và cách thức thực hiện thủ tục hải quan của Luật Hải quan 2014, kể từ 1/1/2015, việc thông quan hàng hóa của các DN sẽ được thực hiện một cách nhanh, gọn, nhẹ. DN rút ngắn được thời gian thông quan nên sẽ tiết kiệm chi phí lưu kho, chu kỳ của vòng vốn được rút ngắn. 

Thị trường bất động sản sẽ được lành mạnh hóa

Ngày 25/11/2014, Quốc hội đã bấm nút thông qua 2 dự thảo luật quan trọng trong lĩnh vực bất động sản đó là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Hai văn bản luật này có hiệu lực từ 1/7/2015 được kỳ vọng sẽ góp phần lành mạnh hóa và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Trước đây, theo Luật Kinh doanh bất động sản 2005, khi chủ đầu tư không còn nhu cầu tiếp tục đầu tư dự án thì có thể xin chuyển nhượng toàn bộ dự án. Khi chuyển nhượng, luật không yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, mà chỉ cần có quyết định phê duyệt dự án, chủ đầu tư cũng không cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ cần có hợp đồng thuê đất hoặc quyết định giao đất. Bên nhận chuyển nhượng không buộc phải ký quỹ... Những điều này đã tạo ra kẽ hở để các DN “thiếu tiền thừa quan hệ” chỉ lo “chạy” dự án rồi sau đó chuyển nhượng lại để lấy chênh lệch. Việc này đã góp phần đẩy giá nhà đất lên cao gấp nhiều lần khả năng chi trả của người dân, làm thị trường bất động sản đóng băng.

Còn với Luật Kinh doanh bất động sản 2014, điều kiện để được chuyển nhượng toàn bộ dự án gắt gao hơn. Theo đó, chủ đầu tư phải có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong kết cấu hạ tầng theo đúng tiến độ đã được phê duyệt, bên nhận chuyển nhượng phải ký quỹ. Với những quy định mới, các DN chuyên “chạy” dự án sẽ không thể đưa ra lý do “không còn nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án” để xin chuyển nhượng, mà chỉ có thể lấy lý do “không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án” để chuyển nhượng. Từ đó, sẽ góp phần kéo giá bất động sản xuống giá thực và phù hợp với khả năng chi trả của thị trường hơn.

Ngoài ra, Điều 56 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 yêu cầu chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Với quy định này, khách hàng sẽ không còn lo ngại việc chủ đầu tư “cao chạy xa bay” khi thị trường bất động sản đóng băng, thiếu vốn đầu tư. Hơn ai hết, khi cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư thì ngân hàng phải tự đi thẩm định tính pháp lý của dự án, năng lực tài chính, năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư. 

Một trong những điểm nổi bật của Luật Nhà ở 2014 là mở rộng đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Với việc mở rộng đối tượng mua nhà lần này, Luật Nhà ở 2014 được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích cho thị trường bất động sản ở phân khúc nhà cao cấp dành cho người nước ngoài trong năm 2015.

Tin bài liên quan