Ðể được hưởng thuế suất 0%, hàng dệt may Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ với nguyên tắc hàm lượng giá trị nội khối không dưới 40%. EVFTA cho phép cộng gộp % nguyên liệu nhập từ một nước có FTA với EU.
Hiện mới chỉ có Singapore và Hàn Quốc nằm trong diện này, Singapore thì không sản xuất vải, còn vải từ Hàn Quốc, theo nhận xét của doanh nghiệp, không đa dạng chủng loại, mẫu mã, nên rất khó đáp ứng đủ yêu cầu.
Nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ còn chiếm tỷ trọng cao. Giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu này không thể ngày một ngày hai.
Số liệu từ cơ quan hải quan cho thấy, 90% sợi sản xuất tại Việt Nam được xuất sang Trung Quốc, sợi đó được dệt thành vải và xuất ngược trở lại Việt Nam.
Nhưng đã hàng chục năm trôi qua, Việt Nam vẫn rất khó khăn trong việc kết nối chuỗi đứt gãy này trong sản xuất, hầu như không có dự án nào đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm.
Một chuyên gia kinh tế kể, khi đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2009, hai bên đã thống nhất điều khoản, Việt Nam phải nhận được hỗ trợ từ Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất vải, nhưng đến nay chưa có dự án nào.
Cũng có doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam sau khi tích lũy được chút ít đã khảo sát nghiên cứu lĩnh vực này, song rất nhiều yêu cầu về xử lý xả thải, sự đồng bộ về điều kiện môi trường, nguồn kinh phí lớn… đã khiến doanh nghiệp e ngại. Bởi vậy, chuỗi giá trị dệt may Việt Nam nhiều năm qua vẫn đứt gãy.
Tương tự là lĩnh vực thủy sản, chủ tịch kiêm tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn đã hồ hởi lấy ví dụ, thuế suất xuất khẩu sản phẩm của công ty ông vào Pháp sẽ về 0% so với mức 8% hiện nay.
Nhưng khi doanh nghiệp còn đang thiếu nguyên liệu cho sản xuất hiện tại, nhập khẩu số lượng rất lớn nguyên liệu từ các thị trường đang bị Mỹ, EU áp thuế cao, thì doanh nghiệp hãy coi chừng thách thức mang tên “thuế chống lẩn tránh”.
Không chỉ chứng minh bằng các dữ liệu thu thập được từ hải quan, EU còn có những thiết bị đo lường cho phép xác định trong sản phẩm nhập khẩu với phẩm chất thịt là A,B thì nó được nuôi trồng ở Việt Nam hay nước nào khác…
“Thuế chống lẩn tránh” hoặc những rào cản kỹ thuật khác sẽ ngày càng phổ biến và được xới xáo trong điều kiện cán cân thương mại giữa các nền kinh tế đang được đem ra đong đếm, soi xét kỹ như hiện nay.
Nói điều này để thấy, lợi ích từ EVFTA có thể là rất lớn. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, không dễ để doanh nghiệp gặt hái ngay được thuận lợi. Trong nhiều trường hợp, những lợi ích thuế quan mà EVFTA mang lại đang chờ một tầm nhìn đầu tư dài hạn.