Vào ngày 16/6/2011, Chi nhánh Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Trung tâm xuất nhập khẩu phía Bắc (bên A) và Công ty Tân Thành Đạt (bên B) đã ký kết hợp đồng mua bán trang thiết bị điều hòa cơ khí Mitsubishi với tổng giá trị là hơn 9 tỷ đồng.
Do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, Công ty Tân Thành Đạt mới thanh toán được một phần tiền gốc. Ngày 30/11/2011, 2 bên ký biên bản thanh lý hợp đồng. Năm 2012, Tân Thành Đạt đã bàn giao lô hàng (67 cục điều hòa, trị giá hơn 1,7 tỷ đồng), đồng ý để Hapro bán trừ vào công nợ.
Năm 2014, Hapro khởi kiện ra tòa đòi nợ; cộng khoản gốc và lãi tính đến ngày 31/5/2014 là hơn 7,3 tỷ đồng. Đến ngày 30/12/2014, Hapro thay đổi nội dung khởi kiện, đề nghị Tân Thành Đạt phải thanh toán khoản nợ là 4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 2,8 tỷ đồng; lãi là hơn 1,3 tỷ đồng.
Yêu cầu khởi kiện trên đã được Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm chấp thuận. Ngay sau đó, Công ty Tân Thành Đạt đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm lên Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội.
Phía bị đơn cho rằng, ngày 1/11/2012, Công ty Tân Thành Đạt ký biên bản thế chấp, bàn giao lô hàng điều hòa không khí để đảm bảo một phần công nợ. Trong điều khoản của biên bản có nêu, khi thời hạn đến 31/3/2013, bên B không thanh toán hết nợ, Hapro được quyền tìm kiếm khách hàng bán lô hàng trên. Tiền thu được sẽ được khấu trừ vào công nợ.
Cuối tháng 9/2014, Hapro tự ý dịch chuyển hàng hóa về kho của mình khiến Công ty Tân Thành Đạt lo ngại không biết hàng hóa được cất giữ ở đâu, chất lượng bảo quản ra sao? Vì lẽ đó, bị đơn đề nghị cần phải xử lý lô hàng trên để đảm bảo giải quyết tranh chấp 2 bên được triệt để.
Trong khi đó, Hapro khẳng định, giữ lô hàng điều hòa để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự và thực chất lô hàng vẫn thuộc sở hữu của Tân Thành Đạt.
Nguyên đơn viện dẫn, sau phiên tòa sơ thẩm, giữa 2 bên vẫn đồng thuận quan điểm giải quyết lô hàng trên. Hapro đang tích cực tìm kiếm bên thứ 3 để bán lô hàng trên và trừ vào công nợ. Thực tế là sau phiên tòa sơ thẩm, Hapro đã bán thêm được 13 cục điều hòa. Nguyên đơn cũng lý giải quy trình bán hàng phải có sự đồng ý của Tân Thành Đạt. Minh chứng là Công ty Tân Thành Đạt xuất hóa đơn thì Hapro mới bán được hàng hóa.
Cấp phúc thẩm cho rằng, cần phải xác minh lô hàng trên đang được Hapro xử lý như thế nào? Trường hợp bán được một phần có khấu trừ tiền thu được theo đúng thỏa thuận hay không? Số hàng hóa còn lại đang ở đâu? Đồng thời làm rõ tính pháp lý của lô hàng này.
Ngoài ra, trong vụ kiện này, vấn đề tính lãi suất cũng được đem ra “mổ xẻ”. Về phương thức thanh toán, bên B đặt cọc cho bên A 10% theo tổng giá trị, tương đương 740 triệu đồng, để bên A ký quỹ mở L/C. 70% còn lại bên B thanh toán sau khi có chứng từ về ngân hàng và có thông báo chứng từ đến. 20% còn lại bên B thanh toán theo hợp đồng kể từ ngày chấp nhận thanh toán nhận nợ. Nếu quá hạn không thanh toán hết tiền, bên B phải chịu lãi suất 2,6%, thời gian trả chậm không quá 15 ngày.
Hapro trình bày, tại tòa sơ thẩm, nguyên đơn tự nguyện giảm mức lãi suất xuống còn 13 %/tháng do thấy hoàn cảnh khó khăn của bị đơn.
Nguyên đơn lý giải đưa ra mức lãi suất 13%/tháng là căn cứ vào Điều 306 Luật Thương mại. Cụ thể là trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả, theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.
Ngược lại, Công ty Tân Thành Đạt cho rằng, mức lãi suất trên là không phù hợp và đề nghị tòa án xem xét lại theo đúng quy định của pháp luật.
Khi xem xét vấn đề này, cấp phúc thẩm cho rằng, bản án sơ thẩm chưa xác định thời hiệu Công ty Tân Thành Đạt bắt đầu phát sinh nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và việc tính lãi có phù hợp với pháp luật hay không?
Xác định nhiều tình tiết trong vụ án vẫn còn vướng mắc, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định hủy bản án trên, giao cho tòa sơ thẩm xét xử lại.