QR Code thực sự đi vào cuộc sống

QR Code thực sự đi vào cuộc sống

QR Code lên ngôi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Cùng với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi, phương thức thanh toán QR code ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn.

Người dân ngày càng thích “quét mã”

Phương thức thanh toán qua QR code là khách hàng quét mã QR từ tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản điện tử của mình thông qua camera trên di động, sau đó nhập số tiền cần thanh toán, giao dịch sẽ được hoàn tất. Đây là phương thức thanh toán tiện lợi và khá an toàn, nên ngày càng có nhiều người sử dụng, cả người mua lẫn người bán và là phương thức có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong những năm qua.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Trong đó, thanh toán qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56% về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116.000 tỷ đồng (tăng gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước). Trong khi đó, giá trị giao dịch qua ATM đạt khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, giảm hơn 9% so với năm 2022.

Trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; trong đó, qua phương thức QR code tăng tới 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua kênh internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và 13,65% về giá trị; qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị.

CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, năm 2023, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022. Còn theo số liệu của Payoo, giá trị giao dịch bằng QR trong năm 2023 mà hệ thống này ghi nhận tăng gấp 3 lần so với năm trước, trong khi giao dịch thẻ nội địa chỉ tăng hơn 10%, thẻ quốc tế tăng gần 30%.

Trong khi các giao dịch sử dụng thẻ quốc tế thường phổ biến với những đơn hàng giá trị cao, thì phương thức QR code lại được ưa chuộng khi thanh toán đơn hàng giá trị nhỏ. Giao dịch thanh toán được thực hiện bằng mã QR với giá trị dưới 100.000 đồng qua hệ thống Payoo đã tăng gấp 5 lần trong năm 2023 so với năm 2022.

Theo Payoo, tăng trưởng của QR code trong năm qua được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố: Nền tảng VietQR cho phép các nhà bán lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không cần đầu tư hệ thống POS vốn phức tạp và yêu cầu cao về thẩm định, thay vào đó họ chỉ cần tự in một QR code để nhận tiền chuyển khoản từ khách hàng. Các giao dịch QR có mức phí “0 đồng”, lại rất tiện lợi, nhanh chóng, chủ động cho người chuyển và bảo mật thông tin thanh toán.

Đánh giá về ngành thanh toán Việt Nam, lãnh đạo Payoo cho rằng, QR code còn nhiều cơ hội để bùng nổ hơn nữa. Nhìn vào thị trường Ấn Độ, thanh toán mã QR qua UPI (giao diện thanh toán hợp nhất) được hơn 300 triệu người dùng sử dụng và được chấp nhận tại hơn 50 triệu cửa hàng bán lẻ, từ các cửa hàng ven đường đến những trung tâm mua sắm cao cấp. Vào tháng 3/2023, thống kê từ cơ quan giám sát UPI ở Ấn Độ cho thấy, hơn 8,65 tỷ giao dịch giá trị hơn 170 tỷ USD đã được thực hiện. Cuộc cách mạng thanh toán số ở Ấn Độ đã khiến giá trị thanh toán bằng tiền mặt giảm tới 86%. Nếu so sánh tuyến tính với Việt Nam, khối lượng giao dịch thanh toán QR code của Ấn Độ đang gấp 40 lần. Đó chính là lý do mà lãnh đạo Payoo đánh giá thanh toán QR ở Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển thần tốc.

Vượt ra ngoài biên giới

QR code sẽ dần trở thành phương thức thanh toán chủ đạo trong thanh toán điện tử, nhất là khi QR code được ngân hàng tích hợp thông qua ngân hàng số và các ứng dụng thanh toán tại điểm bán...

TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

Trong bối cảnh QR code đang được cả xã hội ủng hộ, các ngân hàng và trung gian thanh toán đã nhanh chóng cho ra mắt những giải pháp tiện ích như QR code đa năng chấp nhận cả QR ví điện tử, ứng dụng ngân hàng, dịch vụ báo có vào tài khoản và triển khai xuyên quốc gia.

MoMo - nền tảng thanh toán có hơn 31 triệu người dùng, vừa ra mắt mã QR nhận tiền đa năng mới với nhiều cải tiến ưu việt hơn từ mã QR nhận tiền trước đó. Theo đó, với mã QR nhận tiền đa năng mới của MoMo, người dùng có thể nhận tiền từ đa nguồn, bao gồm từ MoMo, các ứng dụng ngân hàng và các ví điện tử khác, đáp ứng được mọi thói quen chuyển trả của người gửi.

Trong khi đó, theo NAPAS, không dừng lại ở liên kết với các điểm bán hàng tại trong nước, các ngân hàng Việt Nam đang tăng cường triển khai phương thức thanh toán bằng QR xuyên biên giới. NAPAS phối hợp với các tổ chức thành viên và đối tác thúc đẩy phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, cung cấp các dịch vụ chuyển mạch tài chính trong nước và quốc tế thông qua mã QR, thẻ, tài khoản, ví điện tử, Mobile Money, kết nối thanh toán xuyên biên giới...

Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, NAPAS đã triển khai hợp tác thanh toán ngoài vùng lãnh thổ với 3 đối tác quan trọng gồm Thái Lan, Lào và Campuchia. Khi sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới sử dụng QR code, du khách hai nước sẽ được hưởng tỷ giá chuyển đổi ưu đãi thay vì chuyển đổi sang ngoại tệ thứ ba.

Theo NAPAS, đến nay, đã có nhiều ngân hàng trong nước như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, TPBank, Nam A Bank, BVBank... đã triển khai phương thức thanh toán bằng QR xuyên biên giới.Một số ngân hàng khác đang xúc tiến hoàn tất các kết nối hệ thống để sớm áp dụng.

Trong đó, Sacombank đã triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã QR tại Campuchia và Việt Nam trên ứng dụng Sacombank Pay. Khách hàng sử dụng dịch vụ được miễn phí giao dịch, phí chuyển đổi ngoại tệ.

“Đây là một bước đi quan trọng của Sacombank nhằm góp phần hướng tới mục tiêu chung là tăng cường kết nối thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á mà Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai trong thời gian gần đây”, đại diện Sacombank cho hay.

Tương tự, BVBank cũng vừa hợp tác với NAPAS triển khai tiện ích thanh toán bằng mã QR tại Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, khách hàng của BVBank có thể sử dụng tài khoản thanh toán tiền Việt hoặc thẻ tín dụng BVBank và tính năng “quét mã QR” trên ứng dụng ngân hàng số Digimi để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam và Thái Lan. Nếu sử dụng QR tại Thái Lan, người dùng được miễn phí chuyển đổi ngoại tệ.

Ông Phan Việt Hải, Phó tổng giám đốc BVBank cho biết, Ngân hàng luôn chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ, tính năng mới nhằm chuyên biệt hóa và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Việc triển khai thanh toán bằng mã QR tại Thái Lan mang thêm một hình thức thanh toán thuận tiện, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

“Đây cũng là một trong các chương trình mang tính cạnh tranh của BVBank để tiếp cận thêm nhiều khách hàng, góp phần hoàn thành mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại”, ông Hải nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, lợi ích lớn nhất của kênh thanh toán QR code xuyên biên giới là tạo thuận lợi cho khách hàng khi đi du lịch, công tác ở nước ngoài, bên cạnh thanh toán bằng thẻ tín dụng và tiền mặt. Người Việt thanh toán trên điện thoại thông minh ở nước ngoài sẽ tiện lợi hơn so với trả tiền mặt, không lo bị mất thẻ hay giảm thiểu rủi ro gian lận.

TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, phương thức thanh toán đang dẫn đầu xu hướng hiện nay là qua kênh điện thoại di động, ví điện tử và mã QR. Trong đó, con số tăng trưởng của phương thức thanh toán qua mã QR đã minh chứng cho những lợi ích và vai trò của phương thức này trong thanh toán điện tử.

“QR code sẽ dần trở thành phương thức thanh toán chủ đạo trong thanh toán điện tử, nhất là khi QR code được ngân hàng tích hợp thông qua ngân hàng số và các ứng dụng thanh toán tại điểm bán, tạo sự liền mạch trong sử dụng dịch vụ tài chính, liền mạch trong thanh toán tại các điểm bán lẻ”, ông Linh cho biết thêm.

Tin bài liên quan