PYN Elite tháng 8: Động lực tăng trưởng NAV chủ yếu đến từ SCS, CTG, HDB

PYN Elite tháng 8: Động lực tăng trưởng NAV chủ yếu đến từ SCS, CTG, HDB

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) PYN Elite công bố báo cáo tháng 8/2020 với tăng trưởng NAV 12,8%, cao hơn mức tăng 10,5% của chỉ số VN-Index.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục tích cực trong tháng 8 khi chỉ số VN-Index tăng 10,5% nhờ lực đẩy từ các mã như VCB (+8,6%), BID(+11,7%)…

Trong tháng, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ tăng 12,8% nhờ nắm giữ các cổ phiếu có bước tăng tích cực như CTG (+21,2%), HDB (+18,4%) và MWG (+25,4%)…

Tuy nhiên, động cơ mạnh nhất trong tháng 8 của PYN Elite là CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS).

Ngành hàng không Việt Nam đang chịu những tổn thất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong thời kỳ cổ phiếu SCS bị bán tháo, PYN Elite đã tiến hành nâng cao tỷ trọng nắm giữ (tính tới ngày 31/8/2020, cổ phiếu SCS chiếm 3,1% danh mục đầu tư).

Cho tới nay, SCS đang chứng tỏ sức bền khi trong 8 tháng năm 2020, khối lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế chỉ giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi hàng hóa vận chuyển trong nước tăng 0,9%. Để so sánh, lượng hành khách nội địa giảm 66,6% trong 8 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng tôi kỳ vọng SCS sẽ có khả năng tăng trưởng mạnh trong năm tới nhờ vào sự kết hợp giữa tiềm năng tăng trưởng tự nhiên của khối lượng hàng hóa qua sân bay Tân Sơn Nhất và sự thúc đẩy từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)”, PYN Elite cho biết.

Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của PYN Elite cuối tháng 8/2020

Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của PYN Elite cuối tháng 8/2020

Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của PYN Elite không có thay đổi đáng kể, với Top 5 thuộc về VEAM (11,38%); TP Bank (9,44%); Vietinbank (9,39%); HD Bank (8,88%) và PV Power (6,71%).

Tính từ đầu năm tới cuối tháng 8/2020, hiệu suất đầu tư của PYN Elite là -2,38%.

Tính đến cuối tháng 8, tổng số lượng ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đạt 1.044 ca. Nếu xét trên số lượng ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng, Việt Nam đã làm tốt trong việc kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đã khiến nền kinh tế Việt Nam phục hồi chậm hơn trong tháng 8, với hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 2,7% so với tháng trước đó. Đây là tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2020 cho tới nay.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 8 đạt 45,7 điểm, tháng thứ hai liên tiếp dưới 50 điểm (thể hiện việc suy giảm sản xuất), khi cả sản lượng đầu ra và lượng đơn đặt hàng mới đều đi xuống.

Tin bài liên quan