9 tháng đầu năm, PME đạt kết quả khá tích cực, ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về cơ cấu doanh thu và dự báo khả năng kế hoạch cả năm của Công ty, thưa ông?
Lũy kế 9 tháng 2017, PME đạt hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ. Hàng tự sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, 90,7% tổng doanh thu, còn lại là hàng thương mại, nhượng quyền.
Doanh thu trên kênh ETC và OTC có sự chuyển dịch, lần lượt chiếm 51% và 49% tổng doanh thu, trong khi con số này của năm 2016 là 56,2% và 43,8%.
Việc PME duy trì được tỷ trọng lớn của kênh ETC trong tổng doanh thu trong bối cảnh kênh này gặp khó khăn trong vài năm qua (do tác động của chính sách đấu thầu - PV) là rất tích cực, chủ yếu nhờ lợi thế dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-EU.
Ông Huỳnh Tấn Nam
Cần lưu ý là sự chuyển dịch này không phải vì PME bị giảm sức cạnh tranh trên kênh ETC, mà nằm trong kế hoạch chủ động của Công ty. Cụ thể, PME vẫn duy trì tăng trưởng cho kênh ETC và sẽ tăng tỷ trọng đóng góp của kênh OTC lên 65% vào năm 2020.
Kết quả, PME đạt 269 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 24% so với cùng kỳ 2016. Với kết quả này, PME đã hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Dự báo cả năm 2017, PME đạt 1.616 tỷ đồng doanh thu thuần và 363 tỷ đồng lãi trước thuế, vượt kế hoạch 21%.
Dường như PME đang có lợi thế trên kênh ETC. Tại sao Công ty không gia tăng tỷ trọng trên kênh này, mà lại có kế hoạch mở rộng hơn trên kênh OTC, thưa ông?
Công ty vẫn duy trì và phát triển kênh ETC, nhưng xét về con số tỷ trọng trên tổng doanh thu trong các năm tới thì giảm. Với các dây chuyền đã và đang trong quá trình đầu tư theo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt GMP-EU, sản phẩm của PME được sản xuất trên các dây chuyền GMP-EU hoàn toàn có thể cạnh tranh và có khả năng trúng thầu cao hơn so với so với các doanh nghiệp ngoại.
Trong điều kiện thu nhập của người dân tăng cao hơn, nhu cầu quan tâm sức khỏe cũng được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng, chứ không chỉ có trên kênh ETC mới yêu cầu về chất lượng cao. Do vậy, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sự đa dạng trong các dòng sản phẩm giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn, qua đó cũng cho thấy, kênh OTC còn dư địa lớn để phát triển, nhất là với các sản phẩm chất lượng tương đương thuốc ngoại, nhưng giá cả hợp lý hơn.
Mục tiêu lớn hơn của PME là từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từng bước thay thế hàng nhập khẩu ở phân khúc chất lượng cao.
Vậy mục tiêu cụ thể của PME trong việc mở rộng kênh OTC ra sao, thưa ông?
Hiện tại, hệ thống phân phối của PME có 19 chi nhánh và 12.000 điểm bán. Theo kế hoạch, PME sẽ tăng độ phủ, đẩy mạnh số lượng khách hàng nhóm nhà thuốc, mở rộng chi nhánh từ 19 lên 25 chi nhánh toàn quốc, nâng tỷ trọng doanh số miền Bắc lên 25%, từ mức hơn 15% hiện tại. Đối ngũ nhân lực bán hàng cũng sẽ được chú trọng phát triển, cả về lượng và chất để thực hiện mục tiêu này.
Theo báo cáo tài chính, trong những năm qua, nợ vay của PME giảm dần đều và đến cuối năm 2016 không còn vay nợ. PME đang triển khai đầu tư các dự án, liệu trong thời gian tới, Công ty có kế hoạch gia tăng nợ vay hoặc tăng vốn không, thưa ông?
Dự kiến trong tháng 12/2017, PME hoàn thành xây dựng Trung tâm buôn bán và giới thiệu dược phẩm PYMEPHARCO tại địa chỉ 423 Nguyễn Huệ, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Giai đoạn 2018-2019, PME triển khai đầu tư dự án Nhà máy thuốc viên Non Betalactam theo tiêu chuẩn GMP-EU, vốn đấu tư dự kiến hơn 500 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện đã được Công ty tích lũy và sẵn sàng cho các hoạt động đầu tư, không phụ thuộc vào vốn vay. Trước mắt, Công ty chưa có kế hoạch tăng vốn, nhưng tùy thuộc vào tình hình phát triển mà HĐQT sẽ trình Đại hội đồng cổ đông quyết định trong từng thời điểm.
Khi các dự án trên đi vào hoạt động sẽ có đóng góp như thế nào kết quả kinh doanh của PME, theo ông?
Trước mắt, xưởng kháng sinh bột pha tiêm Cephalosporin dự kiến sẽ được cấp chứng nhận thành công tiêu chuẩn GMP-EU trong năm nay, giúp Công ty có thể tăng ít nhất 200-300 tỷ đồng doanh thu. Khi Nhà máy thuốc viên Non Betalactam theo tiêu chuẩn EU-GMP đi vào hoạt động, công suất 1,2 tỷ viên/năm trong năm 2019, sẽ làm tăng công suất thuốc viên hiện tại lên gấp 2 lần, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng khoảng 15% trong dài hạn.