PXL trước nỗi lo bị cổ đông lớn rút ruột

PXL trước nỗi lo bị cổ đông lớn rút ruột

(ĐTCK) Cho rằng cổ đông lớn là Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã rút tiền từ CTCP Đầu tư xây dựng thương mại dầu khí - Idico (PXL) để mua nợ ở các công ty khác, đầu tư không hiệu quả, các cổ đông bên ngoài đã cùng hợp lực để ngăn chặn điều này. 

Cẳng thẳng việc bầu thành viên hội đồng quản trị

Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018 (lần triệu tập thứ hai) của PXL chiều ngày 11/9 kéo dài suốt 7 tiếng đồng hồ bởi những bất đồng gay gắt giữa các nhóm cổ đông, từ việc kiểm tra tư cách cổ đông đến việc bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).

Theo quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty đại chúng, PXL phải bãi nhiệm 3 thành viên HĐQT để bầu lại các thành viên HĐQT mới đáp ứng tiêu chí 1/3 thành viên HĐQT là thành viên độc lập.

Hiện tại, PVC là cổ đông lớn, nắm giữ 16% cổ phần và đã có 1 đại diện vốn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT PXL. PVC tiếp tục đề cử 2 thành viên đại diện vốn góp và 1 thành viên HĐQT độc lập là ông Nghiêm Quang Huy.

Trong khi đó, CTCP Tư vấn Anh và 1 cổ đông cá nhân khác tập hợp thành nhóm cổ đông sở hữu 6,9% cổ phần đề cử 1 thành viên HĐQT độc lập là ông Đặng Việt Hưng.

Cổ đông lớn là ông Lê Công Trung, sở hữu 5,12% cổ phần - hiện là Thành viên HĐQT của PXL từ giữa năm 2017, đề cử 1 thành viên HĐQT là ông Trần Ngọc Hưng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Hiếu xin ủy quyền của 1 nhóm cổ đông khác cũng tự ứng cử làm Thành viên HĐQT độc lập của PXL.

Như vậy, các nhóm cổ đông đề cử tổng cộng 6 ứng viên vào HĐQT PLX nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, việc đề cử ông Nghiêm Quang Huy gặp phải phản ứng gay gắt từ các cổ đông.

“Ông Huy là trợ lý Chủ tịch HĐQT PVC, nếu vào HĐQT PXL thì có thể độc lập được hay không? Liệu ông Huy có dám không thực hiện chỉ đạo của PVC trong các quyết định tại PXL?”, ông Lê Công Trung, Thành viên HĐQT PXL đặt câu hỏi.

Với trường hợp của ông Nguyễn Thế Hiếu, dù được đề cử theo ủy quyền của nhóm cổ đông sở hữu 7% cổ phần, nhưng qua hoạt động thẩm tra tư cách cổ đông, Ban Bầu cử của PXL cho biết, không đủ điều kiện ứng cử do hồ sơ ứng cử gửi muộn.

Cuối cùng, ĐHCĐ PXL đã quyết định bầu 3 thành viên HĐQT mới, đó là 1 đại diện vốn của PVC là ông Nguyễn Hồng Hải, 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Trần Ngọc Hưng và ông Đặng Việt Hưng theo quy định bầu dồn phiếu.

Như vậy, PVC có 2 đại diện trong HĐQT PXL, còn nhóm các cổ đông khác có 3 đại diện. Việc có ít đại diện hơn trong HĐQT khiến việc bầu vị trí Chủ tịch HĐQT PXL chưa ngã ngũ.

Theo đó, 2 tờ trình về việc đổi tên Công ty thành CTCP Đầu tư Phát triển Long Sơn - Việt Nam và sửa đổi Điều lệ đã không thể thông qua với số phiếu tán thành dưới tỷ lệ cần thiết là 65%.

Đại diện cổ đông là Ngân hàng Quốc tế (VIB) yêu cầu Ban Chủ tọa giải trình về dự thảo sửa đổi, đồng thời cho rằng, việc ủy quyền cho HĐQT thực hiện các giao dịch có giá trị chiếm trên 35% tổng tài sản Công ty, tương đương trên 350 tỷ đồng là quá lớn. VIB cho rằng, cần giảm xuống mức 10%, nếu trên 10% thì phải được ĐHCĐ thông qua để tránh rủi ro tập trung. 

Nỗi Lo bị rút ruột

Sự bức xúc của các cổ đông bên ngoài xuất phát từ việc hoạt động kinh doanh yếu kém kéo dài của PXL dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc là người của PVC.

Trong nhiều năm, lợi nhuận làm ra không dùng để chia cổ tức cho cổ đông, mà chủ yếu để bù lỗ lũy kế, giá cổ phiếu thì chỉ ở mức "trà đá"... Các cổ đông lớn cho biết, có bằng chứng việc PVC chỉ đạo các đại diện vốn góp chuyển tiền của PXL để mua nợ góp vốn vào các công ty khác.

“HĐQT cần làm rõ khoản đầu tư dài hạn vào các công ty khác lên tới 215 tỷ đồng hiệu quả như thế nào”, một cổ đông đại diện cho hơn 300.000 cổ phần PXL đề nghị.

Đáng chú ý, Công ty Kiểm toán CPA Việt Nam đã loại trừ hàng loạt khoản trích lập dự dòng của PXL, cụ thể: trính lập dự phòng 100% cho khoản đầu tư vào CTCP Thiết bị nội ngoại thất dầu khí (giá gốc 14 tỷ đồng), Công ty PVC Bình Sơn là hơn 11 tỷ đồng (giá gốc 201 tỷ đồng), Công ty PVC Kinh Bắc là 5,5 tỷ đồng (giá gốc 11 tỷ đồng), CTCP Khách sạn dầu khí Lam Kinh là 17,3 tỷ đồng (giá gốc hơn 28,3 tỷ đồng).

Năm 2018, PXL lên kế hoạch đạt 472 tỷ đồng doanh thu và 30,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng tiếp tục không chia cổ tức.

Tuy nhiên, do có vốn chủ sở hữu khá lớn - hơn 830 tỷ đồng, nên dù đã đầu tư dàn trải vào nhiều nơi, PXL vẫn còn nguồn tiền khá dồi dào là nguồn thu từ dự án Chung cư Huỳnh Tấn Phát với hơn 300 tỷ đồng, gấp đôi giá trị thị trường của PXL hiện nay, đó là chưa kể các khoản đầu tư nhỏ lẻ vào các công ty, dự án khác.

Đây chính là lý do khiến các nhóm cổ đông lớn muốn nắm quyền điều hành ở PXL.

Theo một số cổ đông lớn, nếu PXL tập trung cho công tác bán sản phẩm căn hộ, đất nền thương phẩm tại các dự án Công ty tham gia hợp tác, tập trung thu hồi công nợ, tìm đối tác thoái vốn tại một số doanh nghiệp... thì nguồn tiền thu về đủ để PXL chia cổ tức hoặc tái đầu tư hiệu quả, vực dậy hoạt động Công ty.

Tin bài liên quan