PVX mạnh tay cơ cấu để thoát lỗ

PVX mạnh tay cơ cấu để thoát lỗ

(ĐTCK) Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên sau soát xét của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC, mã PVX) đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về sức khỏe tài chính của Tổng công ty.

Một loạt giải pháp đã được PVX đưa ra triển khai nhằm cải thiện hoạt động của DN. Xét về nội lực, PVX đang là một DN hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng chuyên ngành dầu khí tại Việt Nam.

PVX mạnh tay cơ cấu để thoát lỗ ảnh 1

Thời gian tới, PVX sẽ cơ cấu lại chỉ còn dưới 10 đơn vị thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp dầu khí trên bờ

Hành động quyết liệt

3 vấn đề trong lưu ý của kiểm toán đối với BCTC bán niên của PVX được nhà đầu tư quan tâm gồm các khoản phát sinh ngoài hợp đồng tại một số dự án lớn với giá trị tương ứng khoảng 14 triệu USD và 735 tỷ đồng; khoản vay bảo lãnh đã quá hạn thanh toán khoảng 558 tỷ đồng và  khả năng hoạt động liên tục của DN.

3 vấn đề trên cũng là mối quan tâm và là những việc cần giải quyết sớm của Tổng công ty. Lãnh đạo PVX cho biết, các phần việc phát sinh ngoài hợp đồng của công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đã được thống kê chi tiết, các bên liên quan đang đàm phán để thống nhất và ký chính thức phụ lục hợp đồng về giá trị bổ sung của các công trình này. Về khoản vay do PVX bảo lãnh cho các công ty con đã quá hạn cho đến thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng. Tổng công ty đã đàm phán xong với các tổ chức cho vay về việc gia hạn trả nợ cũng như thời gian bảo lãnh.

Liên quan đến kết quả lợi nhuận âm trong báo cáo bán niên, Ban Tổng giám đốc PVX đã xác định các nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Theo đó, nguyên nhân chính là do PVX phải trích dự phòng tài chính các khoản đầu tư tại các công ty bất động sản (các công ty này chủ yếu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong Tập đoàn chuyển về PVX). Bên cạnh đó, PVX phải trích dự phòng các khoản vay quá hạn khi nhận chuyển nhượng các dự án bất động sản từ Tập đoàn và các đơn vị của Tập đoàn chuyển về.

Trong giai đoạn vừa qua, với những biến động bất lợi của nền kinh tế như lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tín dụng và biến động tỷ giá, tăng giá điện và tăng giá các loại vật tư, vật liệu chủ yếu phục vụ xây dựng như sắt, thép, cước vận chuyển, chi phí nhân công… làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành các công trình xây lắp dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất -kinh doanh của các đơn vị thành viên không đạt kế hoạch đề ra. Ngoài ra, nhiều dự án PVX đang thi công chưa đến mốc thanh toán, một số dự án đang tạm giãn tiến độ theo Nghị quyết của Chính phủ dẫn đến doanh thu, lợi nhuận của Tổng công ty giảm.

Tiết kiệm được một đồng chi phí là tăng được một đồng thu nhập, bởi vậy, Tổng công ty đã xây dựng và kiểm soát kế hoạch chi phí; giám sát chặt chẽ công tác quản lý và sử dụng chi phí. Các công trình đều được áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm bù lại phần bị chậm tiến độ trong thời gian sớm nhất. Tổng công ty đã phân cấp quản lý thi công theo hướng nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thành viên. Đồng thời, tăng cường bộ máy giám sát về chất lượng và tiến độ của Tổng công ty tại các công trình.

Dù thị trường vốn khó khăn, song công tác tái cấu trúc tài chính của PVX đang được thực hiện rất quyết liệt. Tổng số vốn góp của PVX vào các doanh nghiệp khác tính đến hết năm 2011 là 3.439,3 tỷ đồng, trong đo, góp vào các công ty chi phối là 2.252,2 tỷ đồng, công ty liên kết là 633,7 tỷ đồng và công ty khác là 553,4 tỷ đồng. Theo chủ trương của Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , trong giai đoạn tới,  PVX sẽ tái cơ cấu chỉ còn dưới 10 đơn vị thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp dầu khí trên bờ. PVX sẽ thoái vốn hoàn toàn tại các doanh nghiệp bất động sản và các lĩnh vực đầu tư khác.

Vừa qua, PVX đã thực hiện thoái vốn tại 2 đơn vị PVCR và PVC Metal thu về khoảng 214 tỷ đồng. Sắp tới, PVX sẽ tiếp tục thoái vốn tại PVC-MS theo chủ trương của Tập đoàn, dự kiến thu về khoảng 250 tỷ đồng, đủ để cân đối cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty.

 

Khả năng hoạt động liên tục ổn định

Trước những băn khoăn của nhà đầu tư về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty, lãnh đạo PVX khẳng định, hoạt động của Tổng công ty đang diễn ra bình thường và tình hình khó khăn đang dần được cải thiện.

PVX hiện tập trung vốn, đầu tư máy móc thiết bị phục vụ các dự án lớn như: EPC Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, EPC Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch, Topside H4 Mỏ Tê Giác Trắng, Nam Côn Sơn 2, Topside và Chân đế giàn Mèo Trắng, Chân đế E1A mỏ Rạng Đông, Đường ống dẫn khí LôB Ô Môn, Trung tâm điện lực Long Phú và Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1… Trong quý II, PVX đã ký hợp đồng thu xếp vốn với các tổ chức tài chính Nhật Bản cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trị giá hơn 800 triệu USD. Đây là những nguồn việc dồi dào cho Tổng công ty.

Các nguồn việc gối đầu từ năm 2011 của PVX cũng khá phong phú. Năm 2011, toàn Tổng công ty đã ký kết 102 hợp đồng kinh te, với tổng giá trị 65.609 tỷ đồng, trong đó, Công ty mẹ PVC ký được 8 hợp đồng kinh tế lớn, với tổng giá trị trên 51.778 tỷ đồng và các đơn vị thành viên của PVC ký kết được 94 hợp đồng với giá trị trên 13.830 tỷ đồng.

Các công trình dầu khí thường có vốn đầu tư lớn và thời gian thi công kéo dài, việc nghiệm thu, bàn giao và giải ngân vốn thường chậm, quá trình hoàn tất hồ sơ thi công cũng như thống nhất phê duyệt quyết toán (giữa chủ đầu tư và nhà thầu thường mất nhiều thời gian). Tuy nhiên, với lợi thế là đơn vị cùng ngành, việc thanh toán đối với PVX có thể nhanh hơn các doanh nghiệp xây lắp khác.

Do đặc thù ngành, nhu cầu về vốn tín dụng và chi phí tài chính đối với PVX và các công ty con là rất lớn. Lãi suất cao từ giữa năm 2011 đến giữa năm nay đã ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của Tổng công ty.  Biến động lãi suất theo chiều hướng tích cực gần đây sẽ có tác động tốt tới kết quả 6 tháng cuối năm 2012.

 

Vẫn có tiềm năng phát triển

Giống như các doanh nghiệp xây lắp khác, PVX đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế trong nước và thế giới. Tuy nhiên, là thành viên của Tập đoàn kinh tế lớn nhất nước, lợi thế của Tổng công ty rất rõ ràng. Trong cơ cấu cổ đông của PVX, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia  (PVN) sở hữu 54,5% cổ phần. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xây lắp công nghiệp dầu khí, xây lắp các công trình trong ngành dầu khí.

Trong đề án tái cấu trúc Tập đoàn, PVN xác định, xây lắp dầu khí là một trong những hoạt động dịch vụ thuộc 5 ngành nghề chính của Tập đoàn. Đây là lý do cuối năm 2011, PVN đã tham gia tăng vốn tại PVX nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho Tổng công ty.

Trong định hướng hoạt động tới năm 2015, PVX đang quyết liệt thực hiện công tác tái cấu trúc để tập trung vào lĩnh vực xây lắp các công trình dầu khí trên bờ; Xây lắp các công trình đường ống bể chứa dầu khí; Xây lắp các công trình lọc hóa dầu vận chuyển chế biến tàng trữ dầu khí; Xây lắp các công trình nhà máy điện; Xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp khác của Tập đoàn.

Hiện PVX là 1 trong 3 nhà tổng thầu EPC (hợp đồng trọn gói bao gồm, thiết kế thi công lắp đặt thiết bị) lớn nhất Việt Nam . Phân tích một cách toàn diện, Tổng công ty  là đơn vị xây lắp có vị thế đứng đầu trong ngành dầu khí, đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực, xây lắp chuyên ngành dầu khí, xây dựng công nghiệp. Hoạt động kinh doanh trên thị trường chính được xác định  chiếm 70-80% giá trị tổng sản lượng hàng năm của PVX. Đây là mảng Tổng công ty có lợi thế, ước tính doanh thu mảng xây lắp này năm 2015 đạt đến gần 20.000 tỷ đồng. Ngành dầu khí Việt Nam có triển vọng phát triển mạnh, bởi vậy tiềm năng phát triển của PVX được đánh giá cao, nhất là khi kinh tế trong nước thoát khỏi tình trạng suy thoái.

Trên thị trường, cổ phiếu PVX luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đây là cổ phiếu có thanh khoản lớn, luôn nằm trong Top 5 các cổ phiếu giao dịch nhiều nhất sàn Hà Nội. Hiện nhà đầu tư đang chịu tác động nặng nề do thông tin bất lợi từ BCTC bán niên. Song do TTCK Việt Nam đang ở vùng đáy, nhà đầu tư được khuyến nghị nắm bắt thông tin để có thêm cơ sở tham khảo, tránh hành động theo phong trào và thiệt hại nặng nề.