PVX bảo lãnh nợ cho công ty con, cả hai rơi vào vòng xoáy nợ

PVX bảo lãnh nợ cho công ty con, cả hai rơi vào vòng xoáy nợ

Công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con, mà giờ đây công ty mẹ cũng gặp khó khăn thì khả năng giải quyết nợ với bên cho vay sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Sau trường hợp của Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX), vấn đề hoàn thiện cơ chế quản lý các doanh nghiệp đang được đặt ra như là một trong những yêu cầu bức thiết. Còn nhớ tại thời điểm 30/6, đơn vị thực hiện soát xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của là Deloitte đã lưu ký về việc PVX bảo lãnh các khoản vay của công ty con đã bị quá hạn. Giá trị khoản vay do PVX bảo lãnh đã quá hạn tại thời điểm đó vào khoảng 558 tỷ đồng.

 

Từ "mẹ" bảo lãnh cho "con"

 

Hiểu nôm na là khi PVX bảo lãnh các khoản vay của công ty con cũng đồng nghĩa với việc khi công ty con không thể trả được nợ thì PVX sẽ phải trả thay. Deloitte cho biết, tại thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất, PVX đang đàm phán với các tổ chức cho vay về việc gia hạn trả nợ cũng như thời gian bảo lãnh và chưa trích lập dự phòng đối với các khoản bảo lãnh. Vì vậy, báo cáo tài chính hợp nhất chưa bao gồm các điều chỉnh có thể phát sinh từ sự kiện không chắc chắn nói trên.

 

Khi thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính, nợ của các công ty con sẽ được cộng dồn với công ty mẹ chứ không có chuyện "nợ mẹ" "nợ con". Đối với cổ đông nắm giữ cổ phiếu của công ty mẹ, báo cáo tài chính hợp nhất đóng vai trò quan trọng nhất. Đến đây sẽ có câu hỏi đặt ra là dù công ty mẹ vay hay công ty con vay thì cũng đều được hợp nhất, tại sao công ty mẹ không vay rồi cho công ty con vay lại mà lại để công ty con vay rồi lại tiến hành bảo lãnh.

 

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa tài chính-ngân hàng, Trường Đại học mở TP HCM, phân tích: "Trong hoạt động của mình, công ty con vẫn hạch toán độc lập, tức là có báo cáo tài chính riêng, chỉ đến cuối năm mới tiến hành hợp nhất báo cáo tài chính với công ty mẹ. Chính vì vậy, khi công ty con vay vốn, nếu không đủ năng lực hoặc ngân hàng yêu cầu thì sẽ phải có một bên đứng ra bảo lãnh và đó có thể là công ty mẹ". Mặt khác, nếu công ty mẹ đứng ra vay vốn rồi lại cho công ty con vay có thể tạo ra quy trình luân chuyển vốn phức tạp và kém minh bạch. Công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con, nên cũng có thể tránh được rủi ro công ty mẹ cho công ty con phá sản và từ đó giảm thiểu nghĩa vụ trả nợ.

 

Đến cả "mẹ" và "con" đều "đuối"

 

Khi ngân hàng xét cho vay có điều kiện bảo lãnh, tất yếu bên đứng ra bảo lãnh phải có năng lực, uy tín. Vị thế của PVX là không thể bàn cãi khi công ty là thành viên của Tập đoàn dầu khí, vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng (đang là 4.000 tỷ đồng) và là đơn vị phụ trách xây dựng cho PVN. Cách đây vài năm, vị thế của PVX là cực lớn, chính vì vậy, khi công ty đứng ra bảo lãnh cho các công ty con là phù hợp. Nhưng vấn đề là hiện tại thị trường xây dựng, bất động sản đang gặp khó khăn, trong khi PVX cũng tham gia vào lĩnh vực này thông qua việc đầu tư tài chính vào các công ty bất động sản.

 

Khi các công ty con của PVX không thể trả nợ đúng hẹn, đến mức công ty mẹ phải đứng ra dàn xếp, thì rõ ràng công ty con đã "yếu". Nhưng vấn đề hiện nay là PVX cũng không "mạnh", bởi nếu "mạnh" thực sự thì PVX đã giải quyết tất cả các khoản nợ này một cách nhanh chóng. Cuối quý II, "Nợ phải trả" của PVX xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so với vốn chủ sở hữu gần 3.800 tỷ đồng, đến cuối quý III, "Nợ phả trả" của PVX lên đến hơn 13.600 tỷ đồng. Nhìn chung, vấn đề nợ vay của PVX vẫn chưa thể giải quyết một cách nhanh chóng do cả những khó khăn chủ quan lẫn khách quan. Sau 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của cổ đông công ty mẹ PVX đã lên đến 482 tỷ đồng. TS. Nguyễn Văn Thuận nhận định: công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con, mà giờ đây công ty mẹ cũng gặp khó khăn thì khả năng giải quyết nợ với bên cho vay sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Đây rõ ràng là điều không ai mong muốn.

 

Tại thời điểm 30/6, giá trị khoản vay của các công ty con do PVX bảo lãnh chiếm hơn 3% tổng nguồn vốn của PVX, tương đương 14% vốn điều lệ của công ty, điều đó cho thấy mức độ trọng yếu của khoản mục này trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, khi PVX công bố báo cáo tài chính quý III của mình lại không thấy có những thông tin cụ thể liên quan đến vấn đề này. Vấn đề cần quan tâm là PVX đã đàm phán với bên cho vay như thế nào? Các khoản bảo lãnh có thể được gia hạn hay không?

 

Qua trường hợp của PVX mới thấy rằng vị thế của doanh nghiệp cũng không phải là điều gì đó trường tồn. Thiết nghĩ, khi các bên cho công ty con của PVX vay chắc hẳn không kỳ vọng về giai đoạn hiện nay của thị trường xây dựng-bất động sản. Bản thân PVX khi bảo lãnh cho các công ty con cũng không muốn có ngày mình phải đứng ra "gánh vác" nợ. Quản trị rủi ro, dự báo có tác dụng như thế nào, sử dụng ra sao trong những trường hợp này?