8 tháng, vượt 15% kế hoạch lợi nhuận năm
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng dương, với doanh thu đạt khoảng 5.700 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 690 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.
Năm nay, PVTrans đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 8 tháng, Công ty đã vượt 15% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Từ đầu năm đến nay, PVTrans đưa vào vận hành 5 tàu vận chuyển dầu/hóa chất và 1 tàu chở hàng rời. Theo đó, Công ty đã nhận thêm tàu Sunrise, được đóng năm 2011 tại Nhật Bản có trọng tải 19.850 DWT; tàu PVT Estella đóng năm 2010 tại Hàn Quốc, với trọng tải 13.102 MT; tàu Wawasan Ruby (tên PVT Flora) được đóng năm 2010 tại Nhật Bản, với trọng tải 19.957 DWT; tàu Aquarius đóng năm 2008 tại Nhật Bản với trọng tải 19.928 DWT; tàu Elena trọng tải khoảng 13.000 DWT và tàu hàng rời
Supramax Bulk Orianna đóng năm 2011 với trọng tải khoảng 56.000 DWT. Các tàu khi được bàn giao đều đưa vào khai thác thị trường quốc tế và mang lại hiệu quả ngay lập tức cho Công ty.
Lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước từ năm 2012 tới nay. |
Việc tiếp nhận và đưa vào khai thác các tàu mới trong 8 tháng đầu năm nằm trong chiến lược tiếp tục trẻ hóa, mở rộng quy mô đội tàu của PVTrans, chuẩn bị tốt nguồn lực để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường vận tải khi nhu cầu vận chuyển và sản xuất kinh doanh toàn cầu gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát.
Trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh việc mở rộng quy mô đội tàu, PVTrans kỳ vọng việc thanh lý tàu Athena sẽ giúp mang về thêm lợi nhuận cho Công ty.
Tính đến thời điểm hiện tại, PVTrans tiếp tục giữ vững vị trí là đơn vị vận tải biển số 1 Việt Nam, sở hữu đội tàu hàng lỏng lớn nhất Việt Nam, đa chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời, có tổng trọng tải trên 1,07 triệu DWT. Quy mô và chất lượng tài sản ngày càng cải thiện sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định, bền vững trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh việc giữ vững thị trường vận chuyển nội địa, Công ty đã phát triển mạnh ra thị trường quốc tế với khoảng hơn 80% đội tàu đang hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới, từ châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông đến Tây Phi dưới nhiều hình thức khai thác như cho thuê chuyến, định hạn và tàu trần.
Đồng thời, PVTrans đang từng bước chinh phục các thị trường vận tải có yêu cầu khắt khe và có tiêu chuẩn cao hơn như châu Âu và Bắc Mỹ.
Với chiến lược trẻ hóa đội tàu triển khai nhiều năm qua, cùng với giá cước vận tải tiếp tục duy trì ở mức cao tiếp tục là điều kiện thuận lợi cho PVTrans trong những tháng cuối năm cũng như trong năm 2023.
Thành công nhờ tái cấu trúc
Nhìn lại PVTrans những năm đầu thành lập, đặc biệt là giai đoạn năm 2011, PVTrans là một trong những đơn vị khó khăn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nợ nần chồng chất, nhiều tàu vận chuyển hàng lỏng phải nằm bờ vì không cạnh tranh nổi với tàu nước ngoài, PVTrans có 11 đơn vị thì 7 thua lỗ hoặc sắp phá sản…
Để vượt qua “cơn sóng dữ”, đưa con tàu PVTrans vươn ra biển lớn, Ban Lãnh đạo PVTrans khi ấy đã xác định chuyển đổi mô hình hoạt động nhằm quản lý an toàn, hiệu quả tài sản, vốn, phát triển đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ…, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thị trường. Văn hóa “kỷ cương” cũng được xác định là giá trị nền tảng của doanh nghiệp.
Nhờ tái cấu trúc doanh nghiệp mạnh mẽ, những khó khăn của PVTrans dần qua đi. Lợi nhuận sau thuế năm sau cao hơn năm trước và Công ty luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh được đại hội cổ đông giao phó.