PVTrans đang khai thác 51 tàu, với tổng trọng tải khoảng 1,4 triệu tấn

PVTrans đang khai thác 51 tàu, với tổng trọng tải khoảng 1,4 triệu tấn

PVTrans tăng lợi thế cạnh tranh nhờ chiến lược trẻ hoá đội tàu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Cổ phiếu PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) duy trì xu hướng tăng nhờ việc mở rộng công suất đội tàu đúng giai đoạn giá cước ở mức cao, giúp kết quả kinh doanh khởi sắc.

PVT nổi bật trong dòng cổ phiếu vận tải biển

Trong hơn 5 tháng đầu năm 2024, thị trường vận tải có diễn biến tích cực khi giá cước thuê tàu dầu/hoá chất duy trì ở mức cao, trong khi giá cước vận tải hàng rời phục hồi mạnh, nhưng có sự phân hoá rõ nét. Chẳng hạn, giá cước vận tải hàng rời tuyến dài như Thượng Hải (Trung Quốc) đi Rotterdam (Hà Lan), Thượng Hải đi Los Angeles (Mỹ) tăng mạnh do quãng đường dài hơn, vì phải tránh khu vực biển Đỏ đang có rủi ro địa chính trị. Ngược lại, các tuyến vận tải nội Á (doanh nghiệp vận tải hàng rời của Việt Nam chủ yếu vận tải tuyến nội Á), đà hồi phục giá cước chậm hơn nhiều.

Cùng với câu chuyện hưởng lợi về giá cước, giá cổ phiếu PVT có mức tăng vượt trội so với nhóm ngành và thị trường chung. Từ ngày 31/10/2023 đến 6/6/2024, giá cổ phiếu PVT tăng 51,9%, từ 19.950 đồng/cổ phiếu lên 30.300 đồng/cổ phiếu, trong khi VN-Index tăng 24,8%.

Chiến lược trẻ quá đội tàu để nâng công suất trong giai đoạn giá cước ở mức cao đã giúp PVTrans ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Riêng quý I/2024, PVTrans đạt doanh thu 2.536,11 tỷ đồng, tăng trưởng 24,1%; lợi nhuận sau thuế 306,2 tỷ đồng, tăng trưởng 27,5% và hoàn thành 40,3% kế hoạch lãi 760 tỷ đồng năm 2024; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 16% lên 20,7%.

Lý giải về kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, PVTrans cho biết, do tăng số lượng tàu và gia tăng hiệu quả khai thác đội tàu mà Tổng công ty đang sở hữu.

Giai đoạn 2012 - 2023, lợi nhuận của PVTrans liên tục tăng trưởng và vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng/năm. Tính chung, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt 16%/năm, quy mô tài sản tăng 7%/năm, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân là 13%/năm.

Trong năm 2023, kết quả sản xuất - kinh doanh của PVTrans ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập, với tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.135,5 tỷ đồng, vượt 49% kế hoạch và tăng 6% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 1.221,5 tỷ đồng, vượt 127% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 522,3 tỷ đồng, vượt 76% kế hoạch.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTrans chia sẻ: “Năm 2023, Công ty đã đầu tư và nâng đội tàu lên 51 chiếc, tất cả các tàu mới đầu tư đều mang lại hiệu quả ngay khi đưa vào khai thác. Công ty tăng quy mô đội tàu, trẻ hoá đội tàu để tăng năng lực cạnh tranh, đây là tài sản sinh lời và sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả trong tương lai”.

Theo Công ty Chứng khoán BIDV, giá cước cho thuê định hạn đối với nhóm tàu dầu thô và thành phẩm ở mức cao do sự mất cân bằng cung cầu. Ước tính, tỷ lệ tăng trưởng cung tàu trong năm 2024 duy trì ở mức thấp, lần lượt là 0,6% đối với tàu chở dầu thô và 1,8% đối với tàu chở dầu thành phẩm. Trong khi đó, nhu cầu tấn dặm gia tăng khi mà nhu cầu tiêu thụ dầu ở các quốc gia lớn như Trung Quốc, Ấn Độ dự kiến tăng gấp 3,7 - 7,1 lần so với nguồn cung và xung đột Nga - Ukraine cũng như ở biển Đỏ khiến quãng đường vận chuyển trở nên dài hơn.

Chiến lược trẻ hoá đội tàu giúp nâng cao công suất vận tải

Công ty Chứng khoán SSI cho biết, nhờ việc có 12 tàu mới được đầu tư năm 2023, nâng tổng số tàu khai thác lên 51 chiếc với trọng tải khoảng 1,4 triệu tấn, PVTrans đã nâng công suất trong quý đầu năm 2024 thêm hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục lên kế hoạch dùng 3.000 tỷ đồng để mua 8 - 9 tàu các loại trong năm nay.

Đội tàu của PVTrans hiện có khoảng 90% hoạt động tuyến quốc tế, với lợi thế là chi phí quản lý vận hành thấp hơn 10 - 15% so với công ty nước ngoài. Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư trong dài hạn, PVTrans đang lên lộ trình tăng vốn điều lệ với mục tiêu quy mô vốn sẽ gấp đôi hiện nay. Ngoài ra, PVTrans sẽ tiếp tục chuyển dịch sang phân khúc thị trường có tiêu chuẩn cao hơn như Mỹ, châu Âu (trước đây là châu Á, Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Đông), nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong kinh doanh và giá trị cao hơn nữa cho cổ đông.

Tin bài liên quan