Lợi nhuận tăng trưởng 10 năm liên tục
PVTrans nằm trong số hiếm hoi doanh nghiệp trên sàn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trong 10 năm liên tục. Tuy nhiên, có thể thấy, lợi nhuận của PVTrans thực sự tăng tốc từ năm 2018 và từ năm 2019 đến nay, Công ty duy trì lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2022 là năm ghi nhận con số doanh thu, lợi nhuận cao kỷ lục của Công ty, lần lượt đạt hơn 9.047 tỷ đồng và 1.456,9 tỷ đồng, tăng 21,3% về doanh thu và tăng hơn 40% về lợi nhuận so với năm 2021.
Mới đây, đại hội cổ đông PVTrans đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận 680 tỷ đồng. Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTrans giải thích, đây là kế hoạch xây dựng trên phương án thận trọng.
“Công ty luôn đặt chỉ tiêu kinh doanh thấp hơn mức thực hiện của năm trước, nhưng sẽ cao hơn kế hoạch năm trước. PVTrans đặt kế hoạch nhưng không ỷ lại, chỉ làm như vậy. Trong quý I, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 278 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch cả năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, lợi nhuận năm nay có thể vượt 1.000 tỷ đồng”, ông Phạm Việt Anh nói.
PVTrans duy trì lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng từ năm 2019 tới nay. |
Để duy trì mức lợi nhuận liên tục trên 1.000 tỷ đồng từ năm 2019, cũng như tốc độ tăng trưởng bền vững từ năm 2012 tới nay, bí quyết của PVTrans được Chủ tịch Phạm Việt Anh chia sẻ, Công ty đã chọn được thời điểm thích hợp để đầu tư trẻ hoá đội tàu. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020, tận dụng giá tàu ở mức thấp so với trung bình 10 năm, PVTrans đã đẩy mạnh đầu tư tàu mới.
Ngay sau đó, giai đoạn 2021 - 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, thị trường mua bán tàu biển sôi động, giá tàu biển tăng vọt, có những tàu tăng đến 3 lần so với giai đoạn trước, giá tàu tăng kéo giá cước vận tải tăng tương ứng. Trước đây, giá cước vận tải biển chỉ đạt mức trung bình 15.000 - 25.000 USD/ngày, giờ đây có thể lên tới 70.000 USD/ngày.
“Về cơ bản, các dự án trước đây đang hiệu quả”, Chủ tịch PVTrans nhấn mạnh.
Bước sang năm 2023, Công ty vẫn tiếp tục chiến lược trẻ hoá đội tàu khi lên kế hoạch Công ty mẹ sẽ đầu tư khoảng 164 triệu USD cho 6 tàu và các đơn vị thành viên sẽ đầu tư khoảng 194 triệu USD cho 12 tàu. Trong đó, riêng quý I/2023, Công ty đã đầu tư xong một tàu hoá chất đóng tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, thay vì đẩy mạnh đầu tư như giai đoạn 2017 - 2020, PVTrans cho biết, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư năm 2023 phải tuân thủ nguyên tắc hiệu quả do giai đoạn 2021 - 2022, trung bình giá tàu đã tăng 1,5-2 lần, có loại tàu tăng đến ba lần. Hiện tại, giá tàu Aframax hơn 40 triệu USD và tàu VLCC hơn 70 triệu USD, cực kỳ đắt. Do đó, triển khai đầu tư tàu VLCC trong năm nay là rất khó khăn.
Của để dành cho tương lai
Bên cạnh việc chọn đúng thời điểm đầu tư, giai đoạn vừa qua, PVTrans đã thực hiện chính sách rút ngắn thời gian khấu hao tàu để mang lại tình hình tài chính ổn định. Công ty đang rút ngắn tối đa thời gian khấu hao trong khung quy định của Bộ Tài chính, vì vậy, chi phí khấu hao có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian gần đây (phương pháp khấu hao nhanh).
“PVTrans có nguồn lực nên có thể thực hiện trích khấu hao trước, tạo nên của để dành trong tình hình biến động và mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông. Khấu hao trước nhằm để giảm giá trị đội tàu xuống và hiện tại giá trị đội tàu đang thấp hơn nhiều so với giá thị trường”, Chủ tịch Phạm Việt Anh nhấn mạnh.
Có thể thấy, việc PVTrans chọn phương án khấu hao nhanh nhưng lợi nhuận giai đoạn 2019 - 2022 vẫn tăng trưởng mạnh, điều này giúp Công ty ghi nhận giá trị sổ sách của đội tàu thấp hơn giá thị trường. Đây sẽ là lợi nhuận tiềm năng nếu Công ty thực hiện thanh lý tàu cũ với giá thị trường cao hơn so với giá sổ sách đang ghi nhận.