Đà tăng trưởng bền vững
Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết thường biến động theo chu kỳ, rất ít doanh nghiệp có thể duy trì được sự tăng trưởng trong giai đoạn dài.
Với Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT), doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận liên tục từ năm 2013 tới nay, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận gộp. Nếu như năm 2013, mức lợi nhuận là 313,8 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 11,3%, thì tới năm 2022 đạt 1.155,9 tỷ đồng và 18,3%.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, PVTrans ghi nhận doanh thu 6.708,7 tỷ đồng, tăng 1,5% và lợi nhuận sau thuế 957,9 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp đạt 19,9%.
Năm 2023, PVTrans đặt kế hoạch đạt doanh thu 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 538 tỷ đồng, nộp ngân sách 296 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp đã vượt 78% mục tiêu lợi nhuận năm.
Thực tế, để đạt được thành quả tăng trưởng lợi nhuận trong nhiều năm và liên tục cải thiện biên lợi nhuận gộp, PVTrans đã đẩy mạnh tái cấu trúc từ năm 2011.
Nhìn lại những năm đầu thành lập, đặc biệt năm 2011, PVTrans là một trong những đơn vị khó khăn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nợ chồng chất, nhiều tàu vận chuyển hàng lỏng phải nằm bờ vì không cạnh tranh được với tàu nước ngoài, PVTrans có 11 đơn vị thì 7 đơn vị thua lỗ, hoặc sắp phá sản.
Để vượt qua “cơn sóng dữ”, đưa con tàu PVTrans vươn ra biển lớn, Ban lãnh đạo PVTrans khi ấy đã xác định chuyển đổi mô hình hoạt động nhằm quản lý an toàn, hiệu quả tài sản và nguồn vốn, phát triển đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thị trường. Văn hóa kỷ cương cũng được xác định là giá trị nền tảng của doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc.
Nhờ tái cấu trúc doanh nghiệp mạnh mẽ, những khó khăn của PVTrans dần qua đi. Lợi nhuận sau thuế tăng dần qua các năm và Công ty luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh được đại hội cổ đông giao phó, đồng thời luôn là một trong những đơn vị đi đầu về hiệu quả kinh doanh trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tiếp tục trẻ hoá đội tàu
Để thực hiện chiến lược vươn mình ra biển lớn, trong nhiều năm trở lại đây, PVTrans liên tục thực hiện chiến lược dài hạn “trẻ hoá đội tàu” nhằm tăng sức cạnh tranh, tăng hiệu quả vận hành, đảm bảo đà tăng trưởng dài hạn cho Công ty khi vươn mình ra thị trường quốc tế, sau khi đã thống lĩnh thị trường nội địa.
Mới đây, vào các ngày 27/10 và 31/10/2023, PVTrans đã nhận bàn giao tàu dầu sản phẩm PVT Solana có trọng tải 50.129 DWT đóng tại Hàn Quốc và tàu dầu sản phẩm PVT Avira có trọng tải 45.902 DWT đóng tại Nhật Bản.
Trước đó 1 tháng, ngày 27/9/2023, PVTrans tiếp nhận thành công tàu chở hàng rời loại Supramax - PVT Pearl, có trọng tải 57.334 DWT, được thiết kế hiện đại, đa dụng, đóng năm 2009 tại Hàn Quốc.
Ngay sau khi tiếp nhận, cả ba tàu đều được doanh nghiệp đưa vào khai thác trên thị trường quốc tế theo hình thức cho thuê định hạn.
Tính đến nay, PVTrans đã nâng quy mô đội tàu sở hữu và quản lý lên 51 tàu, với đa dạng chủng loại gồm tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu hóa chất, tàu LPG, tàu hàng rời, tiếp tục khẳng định vị trí số 1 về vận tải hàng lỏng tại Việt Nam và nâng cao uy tín tại thị trường quốc tế.
Nhờ chiến lược tăng trưởng bài bản và dài hạn, SSI Research vừa đưa ra báo cáo phân tích PVTrans, dự báo kết quả kinh doanh năm 2023 và 2024 duy trì đà tăng trưởng. Trong đó, năm 2023, dự kiến doanh thu tăng 4,9%, lên 9.487 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 10,7%, lên 1.285 tỷ đồng; năm 2024, dự kiến doanh thu tăng 20,5%, lên 11.434 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 4,3%, lên 1.339 tỷ đồng.