PVOIL giải đáp các thắc mắc của cổ đông lớn và nhà đầu tư

PVOIL giải đáp các thắc mắc của cổ đông lớn và nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong cuộc gặp mặt các cổ đông lớn và nhà đầu tư để thông tin về kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2022, quý I/2023 và kế hoạch năm 2023 của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), nhiều câu hỏi khác đặt ra đã được giải đáp thỏa đáng.

Tiết lộ thỏa thuận với VinFast

Cổ đông quan tâm đến tác động cụ thể của việc dịch chuyển năng lượng, chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL chia sẻ, đó là xu hướng không thể đảo ngược nên PVOIL đã chủ động ứng phó.

Thỏa thuận hợp tác với VinFast có tính bảo mật rất cao nên chỉ có thể chia sẻ rằng, ở những cây xăng có vị trí phù hợp và còn đất, VinFast sẽ thuê đất để lắp đặt trạm sạc xe điện, trả cho PVOIL phí thuê mặt bằng, phí đặt biển quảng cáo, phí vận hành trạm sạc và hai bên thống nhất tỷ lệ phân chia lợi nhuận từ trạm sạc.

Ông Cao Hoài Dương khẳng định, việc hợp tác giữa PVOIL và VinFast là bước đi thích ứng về chuyển dịch năng lượng, vì xu hướng chuyển đổi sử dụng xe điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu từ xăng dầu trong tương lai. PVOIL sẽ tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có về thị phần cũng như hạ tầng phân phối xăng dầu góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận thông qua các dịch vụ non-oil tại cửa hàng xăng dầu.

PVOIL và VinFast đã hoàn tất lắp đặt và đưa vào sử dụng gần 300 trạm sạc tại các cửa hàng xăng dầu PVOIL và sẽ tiếp tục tìm kiếm các địa điểm phù hợp để mở rộng số lượng trạm sạc.

Áp lực cạnh tranh, thị phần và sản lượng

Chia sẻ thêm về câu chuyện áp lực gia tăng sản lượng và thị phần, ông Đoàn Văn Nhuộm - Tổng giám đốc PVOIL nói: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thậm chí còn giao nhiệm vụ rất áp lực cho chúng tôi với kỳ vọng đạt sản lượng trong 5 năm lên tới 10 triệu m3/năm. Do đó, việc xây dựng kế hoạch năm được hiểu là con số thực hiện được, thận trọng trước diễn biến khó đoán định của thị trường nhưng quá trình thực hiện sẽ cố gắng tận dụng thời cơ, làm tốt nhất có thể, như đã đạt được trong năm trước”.

Việc phát triển hệ thống phân phối nhằm gia tăng thị phần, gia tăng sản lượng để đạt hiệu quả cao hơn là nội dung được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Năm 2022, PVOIL phát triển thêm 54 cửa hàng xăng dầu.

Riêng quý I/2023 phát triển 31 cửa hàng, trong đó có 15 cửa hàng thuê dài hạn 10-15 năm, còn lại là nhận chuyển nhượng từ các doanh nghiệp đã hoạt động, chỉ đầu tư mới 1 cửa hàng.

Việc nhận chuyển nhượng cửa hàng xăng dầu đang hoạt động giúp tăng sản lượng ngay so với xây dựng mới phải mất 6 tháng đến 1 năm mới đạt sản lượng theo kế hoạch.

Đồng thời, PVOIL triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng với PVOIL Easy (giải pháp thanh toán qua QRCode); PVOIL B2B cho khách hàng bán buôn và đang triển khai app cho bán lẻ PVOIL 4U.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc PVOIL có được ưu tiên mua hàng của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, ông Cao Hoài Dương phân tích, là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVOIL ưu tiên nhập hàng của hai nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất. Thời điểm giá nhập khẩu thấp hơn giá trong nước, các đầu mối bỏ hàng nhiều thì PVOIL vẫn nhập hàng của hai nhà máy, hỗ trợ các nhà máy về kho cảng, tồn chứa hàng hóa.

Bù lại, những thời điểm thiếu hàng như năm ngoái, thiếu nguồn cung, thì đương nhiên hai nhà máy phải ưu tiên hàng cho đầu mối lớn thực hiện đúng cam kết; nhờ đó, góp phần quan trọng để PVOIL đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường, mở rộng thị phần, gia tăng sản lượng.

“Việc gì cũng có hai mặt, nhưng hình thành chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề cũng là một thế mạnh để doanh nghiệp tạo ra năng lực cạnh tranh bền vững”, ông Dương nói.

Nhờ những lợi thế thương hiệu uy tín, chiến lược bài bản, tiếp nối đà tăng trưởng của 2022, PVOIL đặt ra mục tiêu tăng trưởng mới hàng năm cao hơn nhiều so với mức 5% của giai đoạn trước. Ông Cao Hoài Dương cho biết thêm, mục tiêu gần là đến 2025, PVOIL phấn đấu đạt sản lượng tiêu thụ từ 5-6 triệu m3/năm.

Khi nào Nhà nước tiếp tục thoái vốn và cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo?

Đây là hai vấn đề cổ đông đặc biệt quan tâm ở PVOIL, vì nó tác động đến thanh khoản và kỳ vọng định giá của PVOIL.

Về vấn đề quyết toán cổ phần hóa, ông Trần Hoài Nam, Thành viên HĐQT PVOIL cho biết, PVOIL làm việc rất bài bản, theo cơ chế và quy định của Nhà nước, luôn thuê các đơn vị tư vấn và công ty luật tham gia vào công tác quyết toán cổ phần hóa.

Các con số quyết toán đã được nêu ra nhưng đang chờ xem các công ty kiểm toán làm việc như thế nào và đến bây giờ vẫn chưa có nội dung làm việc nên việc quyết toán cổ phần hóa với PVOIL đến giờ vẫn chưa xong.

Hiện nay, PVOIL đã xây dựng chương trình gỡ cảnh báo cổ phiếu OIL, bằng cách bám sát chính quyền các địa phương để thúc đẩy giải quyết pháp lý cho các lô đất trong bối cảnh hồ sơ dự án đất đai là vấn đề đang được tập trung tháo gỡ. Hy vọng gỡ được 1 điểm đó trong các điểm cảnh báo và HNX nhận thấy PVOIL khắc phục được điểm ngoại trừ và các điểm khác xuất phát từ trước khi cổ phần hóa, không ảnh hưởng trọng yếu đến PVOIL thì HNX sẽ xem xét gỡ cảnh báo.

Tin bài liên quan