Theo ông Phạm Đăng Nam, Ủy viên HĐQT, người công bố thông tin của DPM, hình thức hợp đồng sử dụng dịch vụ của PVN với DPM giải tỏa lo lắng của cổ đông nhỏ là Tổng công ty phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua lại dự án Đạm Cà Mau. DPM có lợi ích là phát triển thị phần, phát triển thương hiệu và có thêm doanh thu từ hợp đồng cung cấp dịch vụ này. PVN tận dụng hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm sẵn có của DPM để phát triển dự án Đạm Cà Mau. Hiện nay, PVN và DPM đang trong quá trình đàm phán nên chưa có con số cụ thể về giá trị hợp đồng sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, liệu hợp đồng kinh tế có giá trị lớn phải xin phép cổ đông? Theo thông tin từ DPM thì quyền quyết định thực hiện hợp đồng kinh tế có giá trị dưới 50% giá trị tổng tài sản sẽ do HĐQT DPM quyết định. Theo DPM, doanh thu và lợi nhuận của DPM trong quý II tiếp tục khả quan do thị trường phân bón ổn định. Ước tính sơ bộ doanh thu trong 4 tháng đầu năm của DPM đạt 2.479 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 467 tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch năm 2009.
PVN thuê DPM quản lý và bán sản phẩm Đạm Cà Mau
(ĐTCK) Tổng công ty phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM) cho biết, DPM đã được Tập đoàn Dầu khí (PVN) trao nhiệm vụ đào tạo nhân lực, quản lý vận hành, điều hành và tổ chức phân phối tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau.