Ông Phùng Đình Thực (ảnh), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí đã được trình Chính phủ, trong đó cơ cấu vốn của nhiều công ty họ dầu khí sẽ có thay đổi lớn. Ông Thực trao đổi với ĐTCK.
Tinh thần chung nhất trong đề án tái cơ cấu vốn của Tập đoàn Dầu khí là gì, thưa ông?
Theo tinh thần của đề án này, Tập đoàn Dầu khí sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực gồm tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí cao cấp.
Tập đoàn sẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, thoái vốn, giảm vốn ở những lĩnh vực ngoài 5 nhóm chủ đạo trên theo lộ trình để đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc sắp xếp, tái cơ cấu vốn. Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu rà soát lại toàn bộ các đơn vị của Tập đoàn để đưa ra phương án cụ thể trong chiến lược tái cơ cấu.
Việc tìm kiếm các nhà đầu tư nước nước ngoài rất quan trọng trong bối cảnh sức cầu trong nước eo hẹp như hiện nay. Ông có thể cho biết quan điểm của Tập đoàn và cụ thể việc tìm kiếm cổ đông chiến lược của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) đang diễn tiến ra sao?
Chúng tôi đang tiếp tục mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào PVGas. Theo kế hoạch, PVN sẽ nắm giữ 75% vốn tại PVGas. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế hiện đang rất khó khăn, nên chúng tôi cho rằng cần chọn thời điểm phù hợp. Bán cổ phần giá thấp cho nhà đầu tư chiến lược thì không nên, do vậy chúng tôi cho rằng cần tìm thời điểm phù hợp nhất.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chuẩn bị mở rộng đầu tư, kế hoạch bán cổ phần của Nhà máy cho nhà đầu tư nước ngoài đến đâu, thưa ông?
Chúng tôi đã xây dựng và trình Bộ Tài chính cơ chế tài chính đặc thù cho Nhà máy Dung Quất. Cơ chế này đang được Bộ Tài chính xem xét. Kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đang được xúc tiến và một số nhà đầu tư lớn rất quan tâm.
Khi chúng ta có cơ chế cho Nhà máy, chúng tôi tin tưởng sẽ bán được cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, từ đó có vốn mở rộng đầu tư Nhà máy Lọc dầu giai đoạn hai. Quan trọng nhất là hoạt động của doanh nghiệp vận hành phải gắn với cơ chế đảm bảo rằng, Nhà máy có lợi nhuận nhất định.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến chủ trương của PVN khuyến khích Đạm Phú Mỹ mua cổ phần của Đạm Cà Mau, không ít cổ đông của Đạm Phú Mỹ phản đối kế hoạch này. Vậy PVN có kế hoạch gì mới trong việc thu hút vốn đầu tư vào Đạm Cà Mau?
Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ là hai doanh nghiệp có cùng lĩnh vực hoạt động, cùng là thành viên của PVN. Chúng tôi chủ trương hai doanh nghiệp này cần có chương trình hợp tác, thống nhất quản lý về một đầu mối. Tuy nhiên, việc này được tiến hành cụ thể ra sao, chúng tôi đang xem xét trong đề án tổng thể tái cấu trúc Tập đoàn.
Với dự án Tháp Dầu khí, mới đây Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí cho biết đang đề xuất được trở thành chủ đầu tư của dự án. Tập đoàn có ý kiến gì về việc này?
Chính phủ đã có chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải từng bước thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành như tài chính, chứng khoán, bất động sản... Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, PVN chủ trương dần rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là công ty mẹ, 100% vốn Nhà nước nên sẽ không đầu tư vào tòa tháp nữa và PVN đã báo cáo với Chính phủ. Dự án này sẽ được giao lại cho một đơn vị khác làm chủ đầu tư. Điều này thuộc về thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội.