Nhiều năm liền ở cương vị đứng đầu một DN lớn, có cổ phiếu nằm trong Top 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, ông có nhận xét gì về TTCK Việt Nam tròn 13 tuổi?
Có thể nói, TTCK như một con đường rộng mở tạo ra cơ hội phát triển cho mọi DN, mà ở đó DN coi TTCK như một kênh huy động vốn trung và dài hạn. Ý nghĩa này cũng không ngoại lệ với PVI. Nhưng PVI tham gia TTCK không phải chỉ để huy động vốn, mà còn nhằm thực hiện chiến lược phát triển của mình. Nếu không có TTCK và không có các NĐT chiến lược nước ngoài, PVI khó có thể lớn mạnh như ngày hôm nay.
Ở góc nhìn của một DN niêm yết, chỉ sau 13 năm mà thị trường đã phát triển được như hiện tại là một thành công lớn so với nhiều thị trường khác trong khu vực. Mấy năm trở lại đây, nếu không có những biến động lớn của kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước, chắc chắn thị trường sẽ có những bước tiến xa hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, số lượng hàng hóa tốt trên thị trường hiện chưa nhiều. Hy vọng, việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DNNN sẽ cung ứng thêm nhiều hàng hóa chất lượng cho thị trường. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ thị trường như nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các DN Việt
Khi còn là Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (nay là PVI Holdings), chắc ông rất ấn tượng với hình ảnh đấu giá cổ phần PVI: các NĐT xếp hàng dài trên con đường Phan Chu Trinh, Hà Nội và mức giá trúng thầu bình quân cao ngất ngưởng?
Đúng là khi nhớ lại thời điểm đó, chúng tôi chưa bao giờ ngờ tới cổ phiếu PVI lại tạo nên một sức hút đặc biệt đến thế cho NĐT. Sức hút đó không chỉ thể hiện ở mức giá mà NĐT sẵn sàng trả để có được cổ phiếu PVI, mà còn thể hiện ở số lượng rất lớn NĐT tham gia đấu giá. TTCK thú vị cũng chính ở chỗ đó: các DN chỉ có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh cho thật tốt, còn phản ứng của thị trường thì thể hiện ở việc trả giá của NĐT đối với cổ phiếu của DN. DN dù có tốt đến đâu cũng không thể đo lường được hết giá trị của mình. Giá trị của DN được nhận diện phần nào khi tham gia TTCK.
Cũng cần nói thêm, ở thời điểm đó, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng với việc nhận thức được “độ hưng phấn cao” của thị trường, chúng tôi đã tham gia TTCK kịp thời, quyết tâm giành nhiều cơ hội mới trên con đường thực hiện các chiến lược phát triển.
PVI được xem là biểu tượng thành công trên TTCK Việt Nam cả khi thị trường thịnh hay suy, không chỉ gắn với 2 dấu mốc lớn là tại thời điểm đấu giá cổ phiếu PVI 6 năm trước, mà còn là bán cổ phần cho NĐT chiến lược nước ngoài. Ông nghĩ sao về điều này?
Như đã đề cập, nếu không có TTCK cũng như sự tham gia của các NĐT nước ngoài như Quỹ đầu tư Oman (OIF), Talanx và nhiều NĐT nước ngoài khác, thì PVI khó có thể lớn mạnh như ngày hôm nay. Cũng giống như một số DN khác, từ “con mèo” nhưng nhờ có TTCK, chiến lược phát triển và hướng đi đúng đắn, nay PVI đã biến thành “con hổ”.
Còn việc NĐT nước ngoài trả giá cổ phần PVI cao gấp nhiều lần thị giá tại thời điểm cổ phần hóa là do họ kỳ vọng vào tương lai của PVI. Ở chiều ngược lại, mối quan tâm của PVI đó là cổ đông chiến lược, khách hàng chiến lược… để đi đường dài với Công ty và cho ra đời các sản phẩm mang tính chiến lược. Đồng thời, PVI hướng tới sự công khai, minh bạch, từ đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững. Từ chỗ là DN chỉ hoạt động bảo hiểm, thì nay PVI đã trở thành một tập đoàn bảo hiểm - tài chính có các công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực trụ cột. PVI từ chỗ chỉ có một cổ đông lớn là PVN thì nay là đa sở hữu; từ chỗ thị trường bó hẹp ở trong nước thì nay đã vươn ra trên toàn thế giới. Quan trọng nhất là mọi hoạt động của PVI đang tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
Lớn mạnh như vậy, nhưng trong suốt quá trình niêm yết, PVI có gặp khăn khăn gì hay không?
Không rõ các DN khác như thế nào, chứ với PVI, từ khi niêm yết đến nay, chúng tôi thấy mọi việc khá thuận lợi. Các yêu cầu của thị trường, PVI đều đáp ứng không mấy khó khăn, từ khâu công bố thông tin đến các quy định khác liên quan. Trên thực tế, hoạt động của PVI đã được áp dụng theo các chuẩn mực quốc tế như hệ thống quản trị quốc tế, hệ thống tài chính quốc tế, hệ thống xây dựng nhân sự, chiến lược thị trường… Do đó, chúng tôi không gặp khó khăn khi đáp ứng các quy định trong nước.
PVI được xem là biểu tượng thành công trên TTCK ngay cả khi thị trường thịnh hay suy
Cũng bởi sở hữu giá trị của một thương hiệu lớn, cổ phiếu PVI từng gây sức hút đặc biệt với các NĐT nước ngoài. Hiện nay, cổ phiếu PVI đã hết “room” dành cho NĐT ngoại, theo ông, tính hấp dẫn của cổ phiếu PVI đang nằm ở đâu?
Tình trạng hết “room” cho thấy, cổ phiếu PVI là có giá trị đối với những NĐT nước ngoài tầm cỡ. Đồng thời, chiến lược phát triển mà PVI đặt ra hoàn toàn phù hợp với khẩu vị của NĐT lớn, đó chính là tính hấp dẫn của cổ phiếu PVI. Ngoài ra, tính hấp dẫn của cổ phiếu PVI nằm ở chính thương hiệu, sức khỏe, kết quả kinh doanh của PVI. 6 tháng đầu năm 2013, PVI vẫn đứng đầu ngành trên hầu hết các chỉ tiêu.
Hiện PVI đang tập trung đẩy mạnh hoàn thiện mô hình tái cấu trúc thông qua các hoạt động: thành lập công ty quản lý quỹ, chuyển đổi mô hình hoạt động của PVI Re và Bảo hiểm PVI. Từ đó, tạo điều kiện cho tổng tài sản của PVI Holdings tăng cao, cổ phiếu lọt vào Top DN có tổng tài sản lớn nhất thị trường.
Là DN thành công trên sàn chứng khoán, PVI có chia sẻ gì với các DN còn do dự chưa muốn lên sàn?
Như trên đã nói, TTCK như một con đường rộng mở, tạo ra cơ hội phát triển cho mọi DN. Các DN nên niêm yết, niêm yết sẽ giúp DN có nhiều điều kiện để phát triển.
6 tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu của Công ty mẹ - PVI Holdings đạt 351 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch 6 tháng và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Tổng doanh thu hợp nhất của PVI đạt 3.906 tỷ đồng, đạt 133% kế hoạch 6 tháng và hoàn thành 57% kế hoạch năm. Doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.922 tỷ đồng, tăng 5,5%; doanh thu tái bảo hiểm đạt 615 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2012. Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 359 tỷ đồng, hoàn thành 129% kế hoạch 6 tháng, đây là kết quả đáng khích lệ của PVI khi mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, PVI không chỉ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu trong hoạt động kinh doanh, mà còn thực hiện thành công nhiều hoạt động khác. Chẳng hạn, PVI duy trì hiệu quả kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và thực hiện tốt công tác tư vấn, cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong và ngoài lĩnh vực dầu khí. Bên cạnh đó, PVI hỗ trợ các công ty thành viên là Bảo hiểm PVI và PVI Re bảo vệ thành công xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Trong hai năm liên tiếp, PVI là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất duy trì xếp hạng tín nhiệm tài chính B+ (Tốt) cho cả hai đơn vị bảo hiểm và có triển vọng nâng hạng tích cực trong thời gian tới. |