PVI Re (PRE) phát hành 31,6 triệu cổ phiếu tăng vốn, nới room ngoại lên 100%

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với kế hoạch tăng vốn, PVI Re sẽ đổi tên thành Tái bảo hiểm Hà Nội, nới room ngoại lên 100% vốn điều lệ.
PVI Re sẽ tăng vốn lên 1.044 tỷ đồng, nới room ngoại lên 100%.

PVI Re sẽ tăng vốn lên 1.044 tỷ đồng, nới room ngoại lên 100%.

Sẽ tìm nhà đầu tư tiềm năng trước khi tăng vốn

Theo đó, PVI Re sẽ chào bán 31,6 triệu cổ phiếu ra công chúng theo hình thức đấu giá. Mỗi cổ phiếu có mệnh giá 10.000 đồng, được PVI Re dự kiến phát hành với giá khởi điểm không thấp hơn giá trị sổ sách, không thấp hơn 20.000 đồng. Điều này đồng nghĩa PVI Re muốn thu về ít nhất 632 tỷ đồng thông qua đợt phát hành này.

Kể từ phiên giao dịch 23/8 tới nay, cổ phiếu PRE đã tăng 27% từ mức 16.500 đồng lên 21.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên giao dịch 19/10), khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên trở lại đây khoảng 21.000 cổ phiếu/phiên.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, hiệu quả và nòng cốt, bao gồm mở rộng khả năng khai thác dịch vụ, nâng cao mức giữ lại, phát triển kinh doanh tái bảo hiểm các nghiệp vụ bán lẻ hoặc bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh của PVI Re.

Ngoài ra, việc tăng vốn còn mang lại khả năng nâng mức xếp hạng tín nhiệm AMBest của PVI Re, giúp PVI Re có nhiều cơ hội phát triển kinh doanh nhận tái bảo hiểm nước ngoài hiệu quả chất lượng cao.

Thời gian dự kiến chào bán là trước năm 2023 và sẽ giao HĐQT PVI Re quyết định thời gian cụ thể. Tại tờ trình đã được ĐHĐCĐ thông qua tại kỳ họp thường niên hồi tháng 5/2021, PVI Re đánh giá, việc tìm kiếm được nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết để thực hiện tăng vốn. Do vậy PVI Re chỉ triển khai chào bán đấu giá cổ phần ra công chúng sau khi tìm được các nhà đầu tư tiềm năng và quan tâm đến cơ hội đầu tư cổ phiếu của PVI Re để đảm bảo uy tín của PVI Re nói riêng và PVI nói chung.

Nếu hoàn thành kế hoạch tăng vốn, tổng vốn điều lệ của PVI Re sẽ tăng từ mức 728 tỷ đồng hiện nay lên 1.044 tỷ đồng.

Đổi tên, nới room ngoại lên 100% vốn điều lệ

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch triển khai phương án tăng vốn điều lệ và thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm góp vốn, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, mở rộng thị trường, tăng thanh khoản cho cổ phiếu PRE, HĐQT PVI Re cũng trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương nới room nhà đầu tư nước ngoài tại công ty lên mức 100% vốn điều lệ.

Một nội dung khác cũng được PVI Re lấy ý kiến cổ đông lần này là việc đổi tên từ “Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI” thành “Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội”. Điều này được PVI Re cho là “cần thiết và đúng đắn” nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Nửa đầu năm 2021, tổng doanh thu của PVI Re đạt 1.135 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 81 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 64% và 48% kế hoạch cả năm 2021. PVI Re đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng lên gấp đôi lên 3.590 tỷ đồng vào năm 2025, lợi nhuận trước thuế năm 2025 dự kiến đạt 278 tỷ đồng.

Được biết, cổ đông lớn nhất hiện nắm 73,11% vốn của PVI Re hiện nay là Công ty cổ phần PVI (mã PVI - HNX). Mặc dù “xuất thân” từ họ dầu khí, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện chỉ còn sở hữu 36,68% vốn tại PVI. Giữa tháng 9 vừa qua, PVI cũng thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại PVI là 100%.

Nhóm cổ đông lớn tại PVI hiện nay là các quỹ, tổ chức tài chính nước ngoài, đứng đầu là HDI Global SE đang trực tiếp sở hữu 38,07% vốn và gián tiếp sở hữu 12,08% cổ phần tại PVI thông qua Funderburk Lighthouse Litmited. Ngoài ra, một cổ đông ngoại mới đây cũng đã trở thành cổ đông lớn của PVI thông qua một thỏa thuận đối tác chiến lược với HDI Global SE là Công ty tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) với tỷ lệ sở hữu 6,29%.

Tin bài liên quan