PVI: cổ phiếu đặc biệt hút nhà đầu tư ngoại

PVI: cổ phiếu đặc biệt hút nhà đầu tư ngoại

(ĐTCK) Suốt 10 năm gắn bó với thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVI của Công ty cổ phần PVI không tăng giá phi mã hay rớt giá quá sâu. Điểm đặc biệt nhất của cổ phiếu này là hút nhà đầu tư ngoại.

Thành công từ chuyển hóa lợi thế 

Năm 2016 là điểm mốc quan trọng khởi đầu chặng đường phát triển 20 năm tiếp theo của PVI. Xuất phát điểm là một công ty bảo hiểm nội ngành của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam với số vốn khiêm tốn 22 tỷ đồng, tổng tài sản gần 34 tỷ đồng, doanh thu năm đầu chỉ đạt 60 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2015, sau 20 năm hoạt động, PVI có tổng tài sản 15.495 tỷ đồng (tăng 460 lần), vốn chủ sở hữu đạt 6.734 tỷ đồng (tăng 306 lần), doanh thu 9.923 tỷ đồng (tăng 165 lần). PVI được đánh giá là thành công trong việc chuyển hoá lợi thế thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành nguồn lực, sức mạnh.

Bên cạnh đó, PVI cũng đạt được các kết quả đáng ghi nhận trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi: Bảo hiểm PVI giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam; Tái bảo hiểm PVI trở thành nhà tái bảo hiểm hàng đầu Việt Nam.

Không chỉ khẳng định vị thế qua những con số kinh doanh, thương hiệu PVI tiếp tục phát triển mạnh mẽ và được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá là một trong các thương hiệu hàng đầu thị trường tài chính – bảo hiểm Việt Nam. Cụ thể, PVI được Tổ chức đánh giá thương hiệu uy tín quốc tế Brand Finance xếp hạng trong Top 30 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016, tăng 4 bậc so với năm 2015; được Tạp chí Forbes danh tiếng thế giới phiên bản tiếng Việt bình chọn trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam 2016 và danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam 2016. 

Sức hút đặc biệt với nhà đầu tư ngoại

Năm 2007, PVI cổ phần hóa và niêm yết với mã chứng khoán PVI. Đợt cổ phần hoá Tổng công ty đã thu về cho Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng. Sau khi lên sàn, trong nhiều giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, PVI vẫn thực hiện tăng vốn thành công và điều đặc biệt là thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, dần khẳng định là định chế tài chính lớn, có uy tín và thương hiệu được quốc tế hóa.

Đến nay, PVI đã thực hiện thành công tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ- con. Cơ cấu cổ đông gồm 49% là cổ đông nước ngoài, 51% còn lại, trong đó 35% là vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Các cổ đông ngoại gồm Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Talanx của Đức, Quỹ đầu tư Chính phủ Oman (OIF).

Lý giải về khả năng thu hút cổ đông ngoại, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch PVI cho rằng, đó là vì hai bên đã “gặp nhau” về mặt quan điểm, về chiến lược phát triển mang tầm nhìn dài hạn của PVI.

Trong 20 năm phát triển, có thời điểm cổ đông PVI bày tỏ băn khoăn về việc hiệu quả kinh doanh không theo kịp đà tăng vốn, nhưng đến nay, cùng với tốc độ tăng trưởng vốn thì tài sản và doanh thu tăng hàng trăm lần, cổ tức năm 2015 vượt xa kế hoạch, lợi nhuận 9 tháng 2016 tăng đột biến, đáp ứng sự phát triển.

Sự đa dạng trong cơ cấu sở hữu doanh nghiệp, với sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài cũng như áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị và điều hành doanh nghiệp, theo ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI, không chỉ giúp Công ty nâng cao tính minh bạch, mà còn khai thác hiệu quả dòng vốn đầu tư, tạo bước đột phá về doanh thu và lợi nhuận. 

Khát vọng PVI

Lấy hiệu quả dòng vốn đầu tư, kinh doanh và quyền lợi cổ đông làm đầu, 9 tháng năm 2016, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường, PVI tiếp tục khẳng định được bản lĩnh, sức mạnh hệ thống và sự nhất quán trong việc thực hiện đúng chiến lược phát triển. Bảo hiểm PVI giữ vững vị trí là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ số 1 thị trường Việt Nam.

Doanh thu 9 tháng hợp nhất của PVI đạt 8.301 tỷ đồng, hoàn thành 108,42% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.152 tỷ đồng, hoàn thành 193% kế hoạch 9 tháng và đạt 127,89% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất của PVI tăng đột biến trong 9 tháng là do Tổng công ty đã thực hiện thành công thoái 25% vốn còn lại tại PVI Sun Life cho đối tác Sun Life Assurance Canada, thu về lợi nhuận trên 450 tỷ đồng (tính chung, lợi nhuận ròng đạt được cho cả thương vụ là hơn 1.000 tỷ đồng).

Doanh thu và lợi nhuận của PVI được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý IV năm nay nếu Tổng công ty hiện thực hóa chủ trương chuyển nhượng tòa nhà PVI Tower.

“Năm 2015, PVI đã trả cổ tức lên tới 20% bằng tiền mặt, vượt xa cam kết trước đó là trả 9%. Đây cũng là mức cổ tức cao nhất trong khối các doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Với kết quả như hiện tại, dự kiến doanh thu và lợi nhuận năm 2016 sẽ vượt xa kế hoạch đã đề ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục chi trả cổ tức 20% bằng tiền mặt năm 2016”, ông Bùi Vạn Thuận cho biết.

Kết quả trên cho thấy, PVI không chỉ phát huy tối đa thế mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm mà còn khai thác hiệu quả dòng vốn đầu tư.

Hoạt động đầu tư tài chính trong  3 năm gần đây đã mang lại cho PVI gần 2.000 tỷ đồng. Riêng năm 2015, lợi nhuận từ hoạt động này đạt trên 819 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các khoản đầu tư trước đây đều đã được thu hồi và trích lập dự phòng 100%.

Đạt hiệu quả cao trong đầu tư, cũng theo ông Thuận, là do PVI là công ty đại chúng hoạt động theo các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, trên nguyên tắc thị trường lấy hiệu quả đầu tư, kinh doanh và quyền lợi cổ đông làm đầu. Chưa kể, mọi hoạt động đầu tư của PVI đều tuân thủ những nguyên tắc tài chính chặt chẽ và được giám sát bởi một hệ thống kiểm tra, kiểm soát của doanh nghiệp cũng như của chính các cổ đông theo chuẩn mực quốc tế. 

Tin bài liên quan