PVI AM: Biến động lợi nhuận và nhân sự

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần đây, Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVI AM) thực hiện hàng loạt thương vụ giao dịch cổ phiếu và có những thay đổi đáng chú ý về nhân sự.

PVI AM được cấp phép thành lập năm 2015. Công ty đang quản lý Quỹ đầu tư cơ hội PVI (POF) và Quỹ đầu tư hạ tầng PVI (PIF), đồng thời quản lý danh mục và tư vấn đầu tư với tổng giá trị danh mục tính tới cuối quý III/2020 có giá trị gần 97,5 tỷ đồng.

Trong đó, POF được cấp phép hoạt động tháng 10/2015 và đang tập trung đầu tư vào các sản phẩm có thu nhập cố định cùng các cổ phiếu cơ bản trong ngành điện, nước. Còn PIF hoạt động từ năm 2017 và đầu tư vào các công ty kinh doanh hạ tầng, bất động sản.

Lần lượt thoái vốn

Đầu tháng 12/2020, Quỹ POF đã bán ra 10 triệu cổ phiếu VCP của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Năng lượng VCP (Vinaconex Power). Theo đó, quỹ này giảm tỷ lệ nắm giữ tại đây từ 40,88% xuống còn 23,33%, tương đương 13,3 triệu cổ phiếu.

POF còn thoái hết vốn tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước (BPW). Cụ thể, trong thời gian từ 15/12/2020 - 13/1/2021, ông Trịnh Quốc Bình, người điều hành POF, Giám đốc đầu tư PVI AM, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị BPW, bán ra toàn bộ hơn 11,1 triệu cổ phiếu BPW (tương đương tỷ lệ 84,19%).

Một thương vụ khác của POF là bán hết hơn 6,72 triệu cổ phiếu PVP của Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương, sau khi trước đó đã bán gần 3 triệu cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, Quỹ POF trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) khi mua vào 17,85 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn điều lệ.

Giai đoạn 2016 - 2019, tình hình kinh doanh của AFX kém khả quan, doanh thu và lợi nhuận gộp có xu hướng giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Công ty lãi trước thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 chỉ lãi 100 triệu đồng.

Kết quả này có được là nhờ nửa đầu năm 2020, Công ty dự trữ nguyên liệu thức ăn với giá thấp, trong khi quý III lỗ 4 tỷ đồng do tình hình thị trường xuất khẩu cá tra thịt cũng như tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn, giá ca tra nguyên liệu ở mức thấp kéo dài.

Đáng chú ý, ngành nghề chính của AFX là chế biến thức ăn chăn nuôi, nhưng công ty này đang nắm giữ quỹ đất lớn tại An Giang.

Chẳng hạn, AFX đang sử dụng và quản lý một số lô đất tại số 34 - 36 Hai Bà Trưng, phường Mỹ Long (309 m2), phường Bình Khánh (1.030 m2), xã Mỹ Khánh (5.900 m2), xã An Hòa (2.730 m2), thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn (2.341 m2), phường Mỹ Thạnh (761 m2), ấp Long Hòa, xã Long Giang (37.888 m2), ấp Bình Tây 1, Phú Bình (24.959 m2), xã Hòa An (455 m2), hai khu đất tại ấp Vĩnh Mỹ, TP. Cần Thơ (tổng diện tích 26.332 m2). Ngoài ra, Công ty có hơn 10 khu đất thuê với tổng diện tích gần 500.000 m2.

Biến động nhân sự

Trong thời gian gần đây, PVI AM liên tiếp có sự thay đổi nhân sự cấp cao. Cụ thể, Công ty miễn nhiệm Kế toán trưởng Hoàn Văn Kiên ngày 24/11/2020, bổ nhiệm bà Nguyễn Thuỳ Linh vào vị trí này; thay đổi người được uỷ quyền công bố thông tin: chấm dứt uỷ quyền ông Hoàng Văn Kiên (nguyên Kế toán trưởng), uỷ quyền bà Nguyễn Nguyệt Minh (Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ và Giám sát tuân thủ).

Mới đây, ngày 18/1/2021, PVI AM thông báo thay đổi thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo đó, ông Nguyễn Huy Tuấn không còn là thành viên, ông Trương Minh Đức (quốc tịch Đức) được tạm thời bổ nhiệm thay thế (ông Trương Minh Đức hiện là Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần PVI).

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Hùng Linh không còn giữ vị trí Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc đầu tư; ông Nguyễn Anh Vũ được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư.

Lợi nhuận quý IV/2020 lao dốc

Trong quý cuối năm 2020, PVI AM đạt tổng doanh thu 15,89 tỷ đồng, tăng 5,98% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh, giá vốn hàng bán và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 12,66% và 38,28%.

Chi phí tăng góp phần khiến tổng lợi nhuận trước thuế giảm gần 96,5%, chỉ đạt 85,8 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt 2,44 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 73 triệu đồng, giảm gần 95% (cùng kỳ đạt 1,47 tỷ đồng).

Lý giải nguyên nhân, PVI AM cho biết, tỷ lệ phí quản lý Quỹ PIF trong quý IV/2020 là 1%, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 1,5%. Bên cạnh đó, chính sách của Công ty là đẩy mạnh mở rộng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và khách hàng mới nên chi phí gia tăng.

Luỹ kế cả năm 2020, PVI AM đạt doanh thu 38,14 tỷ đồng, giảm 1,3%; lợi nhuận trước thuế 6,55 tỷ đồng, giảm 35,08%; lợi nhuận sau thuế 5,63 tỷ đồng, giảm 30,23% so với năm 2019.

PVI AM nhận tiền gửi uỷ thác chủ yếu từ Công ty cổ phần PVI và Tổng công ty Bảo hiểm PVI. Đáng chú ý, vào đầu kỳ (quý IV/2020), số dư tiền gửi uỷ thác của Tổng công ty Bảo hiểm PVI hầu như không có, sau đó tăng thêm 45,5 tỷ đồng trong kỳ, nhưng số dư cuối kỳ là 6,5 tỷ đồng.

Đầu quý IV/2020, giá trị danh mục đầu tư theo hợp đồng uỷ thác của PVI AM là 137,16 tỷ đồng, giá trị cuối kỳ là 95,77 tỷ đồng, giảm 30,17%.

Tin bài liên quan