Cụ thể, ông Hoàng Ngọc Đang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVEP cho biết, năm 2014, tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 19 nghìn tỷ đồng, bằng 113% kế hoạch năm, nộp Tập đoàn hơn 10 nghìn tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch năm.
Năm 2014, PVEP đạt mức gia tăng trữ lượng 18,18 triệu tấn dầu quy đổi, vượt 30% kế hoạch được giao từ các dự án hiện có, đạt 170% kế hoạch cả năm, sản lượng khai thác đạt 5,03 triệu tấn quy dầu, bằng 101% kế hoạch năm.
Năm 2014, Tổng công ty có 7 phát hiện dầu khí mới quan trọng, trong đó có 3 phát hiện từ các dự án trực tiếp do Tổng công ty điều hành là Hàm Rồng Nam, Hàm Rồng Đông và Thần Nông. Đặc biệt, sau nhiều năm PVEP đã có phát hiện thương mại từ 1 dự án nước ngoài là Lô Marine tại Công gô.
Năm 2014 cũng ghi nhận việc Tổng công ty đưa vào số mỏ khai thác đạt mức kỷ lục là 8 mỏ, trong đó có mỏ Sư Tử Vàng Tây Nam đưa vào khai thác sớm hơn 42 ngày, đồng thời triển khai tốt 5 dự án thăm dò và điều hành khai thác mỏ Sông Đốc.
Năm 2014, PVEP đã ký được 2 hợp đồng dầu khí mới ở trong nước thuộc Lô 46/13, Lô 12/11 và ký 1 dự án mới tại nước ngoài là dự án Urca với Murphy tại Vịnh Mexico, Mỹ, tiến hành thành lập Công ty Đầu tư dầu khí tại Mỹ (PVEP America), đặt nền móng cho việc mở rộng hoạt động tại châu Mỹ trong tương lai.
Đặc biệt trong năm 2014, PVEP có 12 sáng kiến và 2 giải pháp kỹ thuật được công nhận làm lợi ước tính khoảng 73,1 triệu USD cho Tổng công ty và Tập đoàn, tăng hơn 21 triệu USD so với cùng kỳ năm 2013.
Đánh giá về tình hình năm 2015, ông Đang cho rằng, đây là năm có rất nhiều khó khăn và thách thức đối với Tổng công ty cũng như Tập đoàn Dầu khí nói chung, do đà giảm mạnh và liên tục của giá dầu trên thị trường thế giới. Theo đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, lợi nhuận của PVEP, làm giảm hiệu quả của các dự án và gây khó khăn trong quyết định đầu tư các dự án.
Để hoàn thành kế hoạch được giao, ông Đang đề xuất Tập đoàn trình Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế tài chính đặc thù riêng cho PVEP phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Cụ thể, cho phép PVEP được trích 30% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư tư phát triển và được sử dụng quỹ này cho hoạt động tìm kiếm thăm dò, đồng thời cho phép PVEP được giữ lại và tiếp tục trích Quỹ dự phòng tài chính để đảm bảo an toàn tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Ngoài ra, cũng theo đề xuất này, cho phép PVEP được phân bổ chi phí các dự án thăm dò không thành công và các dự án phát triển kém hiệu quả vào chi phí trong kỳ để nâng cao chất lượng tài sản của Tổng công ty.
Bên cạnh đó, ông Đang cũng kiến nghị Tập đoàn trình Chính phủ cho phép tiếp tục duy trì mô hình công ty điều hành thăm dò khai thác dầu khí và bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động của công ty này.
Đối với một số dự án đang gặp khó khăn, ông Đang kiến nghị Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ tìm giải pháp xửt lý khó khăn vướng mắc tại các dự án trọng điểm của Tổng công ty và Tập đoàn, như Junin-2 tại Venezuela, Dự án SK 305 tại Malaysia và Dự án Lô 67 tại Peru.
Đối với các dự án phát triển có kế hoạch FO/FG năm 2015, kiểm soát tiến độ nhằm đảm bảo thực hiện theo kế hoạch khai thác 3 mỏ gồm Khu vực H5 (lô 16-1), mỏ Thái Bình (lô 102-106), mỏ BRS (lô 433a và 416b tại Algeria.