So với những văn bản trước đây, Thông tư 21 được đánh giá đưa ra những quy định cụ thể và khá chặt chẽ. Cụ thể, Thông tư quy định: Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tại thời điểm 31/12 của năm trước liền kề năm đề nghị không vượt quá 3%.
Về điều kiện thành lập chi nhánh tại khu vực nội thành thuộc Hà Nội và TP. HCM, Thông tư 21 yêu cầu nguồn vốn để thành lập một chi nhánh là 300 tỷ đồng, đồng thời một ngân hàng thương mại chỉ được thành lập không quá 10 chi nhánh tại khu vực nội thành Hà Nội hoặc TP. HCM…
Khi thông tư trên ra đời, nhiều chuyên gia đã nhận định, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hoàn thiện về thể chế hoạt động tiền tệ - ngân hàng, kịp thời ban hành nhiều văn bản và tiến hành những biện pháp cụ thể để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình tái cơ cấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, góp phần củng cố và hoàn thiện môi trường pháp lý tại Việt Nam theo hướng phù hợp dần với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành Thông tư 21 là một phép “thử” đối với các ngân hàng không kịp thời đáp ứng đủ các điều kiện của nhà điều hành, là chặng đua đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu...
Đối với Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), trong năm 2015 Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho nhà băng này được mở thêm 8 chi nhánh và 15 phòng giao dịch, trong giai đoạn ngành ngân hàng đang tái cơ cấu, sáp nhập (M&A), thu gọn mạng lưới, cắt giảm chi tiêu…, thì việc PVcomBank được phép mở thêm “cơ số” các chi nhánh và phòng giao dịch, ngoài việc phải tuân thủ được tất cả các quy định nói trên, nhà băng này phải có hoạt động kinh doanh khá tốt, được “soi” theo các tiêu chuẩn: Có lãi theo báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ có kiểm toán; thực hiện đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, PVcomBank đạt tăng trưởng tín dụng 3% với dư nợ cho vay khách hàng hơn 42.000 tỷ đồng; tổng tài sản tăng thêm hơn 7.000 tỷ đồng, lên 108.469 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 44,7% so với 2013, lên 71.033 tỷ đồng. PVcomBank đạt lợi nhuận sau thuế 182 tỷ đồng.
Việc không ngừng phát triển mạng lưới thời gian qua đã giúp PVcomBank thực hiện tốt chiến lược mở rộng cơ hội kinh doanh, khai thác tối đa lợi ích khách hàng…
Với các chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động không hiệu quả, PVcomBank đã chủ động đóng cửa, khai thác và mở rộng các chi nhánh, phòng giao dịch sang các tỉnh có nhiều tiềm năng nhưng lại chưa có sự hiện diện của mình.
Được biết, trong thời gian tới, PVcomBank sẽ mở các chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành như: Đắk Lắk, Ninh Bình, Việt Trì (tỉnh Phú Thọ)…
Tại Hà Nội, PVcomBank đã hoàn thiện các thủ tục với cơ quan quản lý để có thể khai trương thêm cùng một lúc 3 chi nhánh trước dịp nghỉ Lễ chiến thắng 30-4 và Quốc tế lao động 1-5. Ngoài ra, nhằm nâng cao sự tiện ích cũng như phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tới đây, PVcomBank sẽ tiến hành lắp đặt thêm 40 cây ATM tại các tỉnh thành, với số vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng...
Với khẩu hiệu hành động “Ngân hàng không khoảng cách”, PVcomBank luôn hướng tới việc xây dựng hình ảnh một Ngân hàng gần gũi, thân thiện, tận tụy, vì sự thành công của khách hàng. Khẳng định uy tín và thương hiệu trên thị trường tài chính tiền tệ, tạo ra sự khác biệt trong phong cách phục vụ; đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN, mang lại lợi ích cho cộng đồng.