Ông Nguyễn Ngọc Bảng

Ông Nguyễn Ngọc Bảng

PVA trả lời về phương án phát hành

(ĐTCK-online) Liên quan đến bài báo "PVA: Câu hỏi lớn về phương án tăng vốn" được đăng tải trên Báo ĐTCK số 97 vừa qua, CTCP Tổng công ty Xây lắp dầu khí Nghệ An (PVA - sàn HNX) đề nghị có thêm thông tin để cổ đông, đối tác và nhà đầu tư hiểu rõ. Ông Nguyễn Ngọc Bảng, Tổng giám đốc PVA trao đổi với ĐTCK.

>> PVA: Câu hỏi lớn về phương án tăng vốn

>> Cổ đông PVA bị đánh úp

Theo thông tin PVA công bố thì Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (mã PVX) sẽ mua 30% cổ phần của PVA. Việc mua cổ phần diễn ra thời điểm nào, có phải ngay trong đợt phát hành này?

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và tỉnh Nghệ An vào tháng 6/2011 vừa qua, PVA được đánh giá là một trong những đơn vị của PVX đầu tư có hiệu quả nhất trên địa bàn miền Trung và qua đó PVN đã đồng ý cho PVA tiếp tục là đơn vị thành viên của PVX. Ngày 14/6/2011, Hội đồng quản trị PVX đã có Nghị quyết số 491/NQ-XLDK về việc phê duyệt danh mục các đơn vị thành viên của PVX. Trong đó, PVA là một trong 13 công ty liên kết trực thuộc PVX. Cũng theo Nghị quyết, đối với các công ty liên kết nằm trong thành phần tái cấu trúc mà chưa đạt tỷ lệ sở hữu đến 30% vốn điều lệ, thì PVX sẽ thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty này đến 30% để trở thành thành viên của PVX.

Ngày 20/6/2011, tại Thông báo số 2528/TB-XLDK của PVX về công tác tái cấu trúc tại các công ty con/công ty liên kết, thì việc góp vốn tăng tỷ lệ sở hữu có thể thông qua phương thức mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán hoặc qua phương án tăng vốn hoặc nhận chuyển nhượng của các cổ đông khác trong đơn vị và sẽ được thực hiện trong năm 2011.

 

Nhiều nhà đầu tư không rõ số tiền đặt cọc 50 tỷ đồng được Chủ tịch HĐQT PVA đề cập dùng để mua cổ phần cho cổ đông chiến lược hay mua cổ phần để đạt đến tỷ lệ 30%?

Trong đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng đang thực hiện, ngày 4/5/2011, PVA đã ra Nghị quyết số 43/NQ-PVNC về việc thông qua danh sách CBCNV Tổng công ty và cổ đông chiến lược phát hành thêm, theo đó PVX là cổ đông chiến lược được mua 5 triệu cổ phiếu với giá 11.000 đồng/CP, tương đương 55 tỷ đồng. Sau khi được UBCK cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu, ngày 11/8/2011, PVX đã có Quyết định số 3496/QĐ-XLDK-TCKT về việc chuyển trước tiền góp vốn điều lệ trong đợt phát hành tăng vốn cho PVA với số tiền 55 tỷ đồng. Đây không phải là tiền đặt cọc mua cổ phần.

 

Còn thông tin Ideco Long Sơn có kế hoạch mua tới 50% cổ phần của PVA có chính xác hay không, vì số tiền bỏ ra sẽ rất lớn?

Vừa qua, PVA đã nhận được đề nghị từ phía Ban lãnh đạo Công ty Ideco Long Sơn là sẽ mua một số lượng cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ lần này, còn số lượng cụ thể, phương án mua và giá mua sẽ được hai bên đàm phán trong thời gian tới. Hiện tại, chúng tôi chưa đi đến phương án cụ thể.

Một tỷ lệ lớn tiền tăng vốn của PVA theo bản cáo bạch dùng để mua cổ phần của các công ty như CTCP Đầu tư và thương mại Dầu khí Nghệ An, CTCP Xi măng Dầu khí 12-9, CTCP Hoàng Mai Ngọc, trong khi HĐQT Công ty công bố mua cổ phần của các DN này trước đợt phát hành. Vậy số tiền huy động vốn từ đợt phát hành này có một phần được dùng để trả nợ tiền mua cổ phiếu trên phải không?

Phương án tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng của PVA đã được ĐHCĐ thường niên năm 2011 thông qua vào ngày 29/4/2011. Tại ĐHCĐ năm 2011, mục đích sử dụng vốn, trong đó có số tiền dự kiến đầu tư cho những DN chúng tôi đã có thỏa thuận mua cổ phần được bài báo đề cập là 300 tỷ đồng (hiện tiền mua cổ phần DN, PVA đang nợ - PV), chúng tôi đều đưa ra để cổ đông xem xét biểu quyết, nghị quyết ĐHCĐ của Tổng công ty cũng nêu rõ từng hạng mục đầu tư.

Ngoài ra, số vốn huy động được dùng để đầu tư một số dự án mà Công ty đã và đang thực hiện trong thời gian tới như Dự án Khu A Quang Trung - TP Vinh, diện tích 3,5 héc-ta, tổng mức đầu tư 935 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Dầu khí Hoàng Mai, diện tích 60,5 héc-ta, với tổng mức đầu tư 1.174 tỷ đồng. Chúng tôi dự tính, sau khi huy động được vốn với tổng số tiền dự kiến là 505 tỷ đồng, Công ty sẽ dùng 300,2 tỷ đồng để đầu tư góp vốn liên doanh, 107,7 tỷ đồng đầu tư các dự án bất động sản, còn lại là đầu tư mua sắm thiết bị và bổ sung vốn lưu động.

 

Trong trường hợp cổ đông hiện hữu không mua hết cổ phiếu, PVA dự định thế nào?

Trong trường hợp cổ đông hiện hữu không đăng ký mua hết và có cổ phiếu lẻ phát sinh, HĐQT PVA sẽ thực hiện theo nghị quyết của ĐHCĐ là phân phối trong toàn Tổng công ty với số lượng khoảng 1.600 người và các cá nhân, tổ chức phù hợp có nhu cầu.