Nhiều câu hỏi nghi ngờ xung quanh phương án tăng vốn của PVA

Nhiều câu hỏi nghi ngờ xung quanh phương án tăng vốn của PVA

PVA: Câu hỏi lớn về phương án tăng vốn

(ĐTCK-online) Việc PVA phát hành cổ phiếu với tỷ lệ “khủng” cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ lên 6 lần trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, TTCK suy giảm và hầu như không DN nào huy động được vốn là một câu hỏi bất ngờ cho cổ đông và thị trường.

Ngay sau khi công bố thông tin ngày chốt quyền để phát hành cổ phiếu tăng vốn với tỷ lệ 1:4,45 cho cổ đông hiện hữu, cổ phiếu PVA lập tức bị bán tháo và giảm sàn 5 phiên liên tiếp. Với đà giảm này, đến ngày chốt quyền (23/8), nếu PVA rớt xuống dưới mệnh giá thì kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của PVA sẽ ra sao?

 

Cổ đông ngán ngẩm, bán tháo

Ngày 4/8/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận chào bán 50 triệu cổ phiếu ra công chúng cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Nghệ An (PVA). Theo thông báo của PVA, Công ty sẽ phát hành 44,5 triệu cổ phiếu chào bán bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:4,45 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu PVA được quyền mua 4,45 cổ phiếu mới bằng mệnh giá); 5 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông chiến lược với giá 11.000 đồng/CP; 0,5 triệu cổ phiếu còn lại được PVA chào bán bằng mệnh giá cho cán bộ nhân viên Công ty. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của PVA sẽ tăng gấp 6 lần: từ 100 tỷ đồng hiện nay lên 600 tỷ đồng sau khi phát hành xong.

Việc PVA công bố phát hành cổ phiếu với tỷ lệ “khủng” cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ lên 6 lần trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang khó khăn, TTCK suy giảm và hầu như không DN nào huy động được vốn là một câu hỏi bất ngờ cho cổ đông và thị trường. Ông Trọng Phương, nhà đầu tư đang nắm 20.000 cổ phiếu PVA ngán ngẩm nói, nếu căn cứ theo tỷ lệ được mua (1:4,45) thì ông phải nộp vào PVA gần 1 tỷ đồng. Số tiền này quá lớn với ông và với rất nhiều cổ đông bình thường khác. Cũng theo ông Phương, nếu có 1 tỷ đồng nhàn rỗi lúc này, ông sẽ chọn mua vàng hoặc ngoại tệ, chứ không thể rót thêm vào chứng khoán.

 

Câu hỏi về động cơ thực của phương án tăng vốn

Theo báo cáo tài chính quý II năm 2011 của PVA, tổng số nợ phải trả tính đến ngày 30/06 lên đến hơn 1.092 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 1.056 tỷ đồng. HĐQT PVA cho biết, mục đích phát hành cổ phiếu huy động vốn lần này là để đầu tư vào các dự án như: 71,645 tỷ đồng để mua lại cổ phần tại CTCP Đầu tư và thương mại Dầu khí Nghệ An (PXA); 202,161 tỷ đồng dùng để mua lại cổ phần CTCP Xi măng Dầu khí 12-9; 26,4 tỷ đồng dùng để mua lại cổ phần CTCP Hoàng Mai Ngọc; 107 tỷ đồng đầu tư bất động sản; số tiền còn lại để mua sắm trang thiết bị và bổ sung vốn lưu động…

Tuy nhiên, theo thông tin công bố hôm 19/04/2011, PVA đã mua lại 1,6 triệu cổ phần CTCP Đầu tư và thương mại dầu khí Nghệ An (PXA) từ PVC với giá chuyển nhượng 11.013 đồng/CP; mua 500.000 cổ phần PXA từ PV Power với giá 12.000 đồng/CP, nâng tỷ lệ nắm giữ của PVA tại PXA lên 81%. Trước đó, PVA cũng đã mua 7.053.500 cổ phần CTCP Xi măng Dầu khí 12/9 từ PVC với giá 10.600 đồng/CP và mua hơn 10 triệu cổ phiếu PVC12/9 từ CTCP Đầu tư KCN Dầu khí - IDECO Long Sơn. Ngoài ra, việc mua lại cổ phần CTCP Hoàng Mai Ngọc cũng đã được HĐQT PVA tiến hành từ tháng 12/2010 với mức giá 28.898 đồng/CP.

Với hiện trạng trên, nhiều cổ đông đang đặt câu hỏi phải chăng việc huy động vốn lần này của PVA thực chất là để tìm vốn trả nợ cho các thương vụ mua bán PVA đã thực hiện từ trước? Trong khi đó, cổ phiếu PXA (niêm yết trên sàn HNX) mà PVA đầu tư nay rớt xuống chỉ còn 5.100 đồng; các dự án bất động sản của CTCP Hoàng Mai Ngọc thì đang ế ẩm; Nhà máy Xi măng 12-9 đang gặp rất nhiều khó khăn… Điều đáng nói là cả 3 thương vụ mua bán trên đều được HĐQT PVA quyết định và triển khai thực hiện trước khi đưa ra biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (29/04/2011). Nay, khi Công ty đưa ra phương án huy động vốn, với giải trình là để  đầu tư 3 dự án trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi, khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép cho PVA tăng vốn, cơ quan này có biết rằng, nhiều khoản đầu tư của PVA đã thực hiện trước khi huy động (được vốn) rồi không? Động cơ thực phía sau việc huy động vốn này của PVA là gì?

 

Câu hỏi lớn về công bố thông tin

Ngày 9/8/2011, trên website chính thức của PVA đăng tin: “Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) sẽ sở hữu 30% vốn của PVA”. Thông tin dẫn trích từ Nghị quyết số 491/NQ-XLDK của HĐQT PVC về việc phê duyệt danh mục các đơn vị thành viên của PVC. PVA cho rằng, vì là 1 trong 13 công ty liên kết trực thuộc PVC, nên PVC  sẽ tăng sở hữu vốn tại PVA lên 30% (Trích Nghị quyết: đối với các công ty liên kết nằm trong thành phần tái cấu trúc mà chưa đạt tỷ lệ sở hữu đến 30% vốn điều lệ thì PVC sẽ thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty này đến 30% để trở thành thành viên của PVC”.

Trở lại quá khứ, ngày 13/4/2010, PVC đã thoái toàn bộ vốn tại PVA và kể từ thời điểm đó đến nay, PVC chưa từng có công bố tái trở thành cổ đông lớn tại PVA ra công chúng (theo quy định pháp lý, cổ đông sở hữu từ 5% vốn tại DN niêm yết bắt buộc phải công bố thông tin). Về mặt pháp lý, nếu PVC hiện không sở hữu đến 20% vốn tại PVA thì PVA liệu có thể coi là công ty liên doanh, liên kết của PVC?

Trả lời câu hỏi của ĐTCK rằng: “Cơ sở nào mà PVA tin tưởng sẽ thành công và quyết định phát hành cổ phiếu tăng vốn với tỷ lệ rất cao?”, ông Phan Hải Triều, Chủ tịch HĐQT PVA nói: “Lúc đầu chúng tôi cũng rất băn khoăn, liệu phát hành cổ phiếu huy động vốn trong bối cảnh thị trường đang xấu có thành công hay không? Tuy nhiên, sau khi đàm phán và được Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam  - PVC đồng ý mua 30% vốn điều lệ PVA (tương đương 18 triệu cổ phiếu), Công ty IDECO Long Sơn đồng ý mua 50% vốn điều lệ (tương đương 30 triệu cổ phiếu), nên chúng tôi tự tin sẽ phát hành thành công. Lý do là nếu như không phát hành được cho cổ đông hiện hữu, chúng tôi sẽ có phương án hai là phát hành lượng cổ phiếu đó cho cổ đông chiến lược. Riêng hai đối tác chiến lược này đã sẵn sàng mua đến 48 triệu cổ phiếu phát hành thêm, số lượng dư thừa chúng tôi sẽ bán cho cán bộ nhân viên”. Cũng theo ông Triều, thì PVC đã chuyển 50 tỷ đồng tiền đặt cọc cho PVA để mua cổ phần tại PVA.

Kể từ khi PVA đưa tin PVC sẽ sở hữu 30% vốn tại PVA, trên diễn đàn, nhiều ý kiến nghi ngờ rằng, thông tin PVC mua 30% vốn điều lệ của PVA chỉ là tin vịt do PVA dựng lên để trấn an cổ đông. Mặc dù vậy, vẫn có khá nhiều người tin tưởng vào những thông tin do PVA đưa ra, nên mạnh dạn “bắt dao rơi”, đặc biệt phiên ngày 10/08, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu PVA lên đến gần 1,2 triệu với giá trung bình 15.200 đồng/CP.

PVC có cam kết mua 30% vốn tại PVA không? Đó là một thông tin quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu, nên rất cần được làm rõ tại thời điểm nhạy cảm này. Bên cạnh đó, thông tin Công ty IDECO Long Sơn đồng ý mua 50% vốn điều lệ (tương đương 30 triệu cổ phiếu) mà ông Triều đưa ra có xác thực không, hay cũng chỉ là một loại thông tin để “đỡ giá”? Trong bối cảnh cả thị trường băn khoăn về phương án tăng vốn của Công ty này còn các cổ đông đang phải cân nhắc việc bán hay giữ lại cổ phiếu PVA, những thông tin chưa rõ ràng về đối tác chiến lược cam kết góp vốn tại PVA cần được công bố và minh định rõ ra thị trường, nếu không, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư.