Tại buổi gặp gỡ giới phân tích ngày 5/7, ông Nguyễn Đình Thi, Trưởng ban Kinh tế kế hoạch PV Power (mã chứng khoán POW - HOSE) cho biết, nửa đầu năm sản lượng điện của toàn tổng công ty đạt 7,1 tỷ kWh, hoàn thành 51,4% kế hoạch năm và tương đương 75% cùng kỳ năm trước. Tương ứng, tổng doanh thu 14.865 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.159 tỷ đồng.
So với kế hoạch đề ra, POW hoàn thành được 61,3% mục tiêu doanh thu, còn lợi nhuận vượt 56% kế hoạch năm nhưng nếu so với cùng kỳ thì giảm 19%.
Riêng công ty mẹ, sản lượng 4,3 tỷ kWh, đạt 45% kế hoạch, doanh thu 9.316 tỷ đồng, thực hiện 55% kế hoạch và lãi sau thuế 788 tỷ đồng, tương đương 87,6% kế hoạch năm.
Trong nửa đầu năm, theo đại diện POW, có những yếu tố chưa dự báo được. Cụ thể là xung đột Nga – Ukraine leo thang khiến giá dầu và khí tăng rất nhiều, bởi Nga là nước cung cấp dầu, khí đốt, than lớn trên thế giới.
Theo đó, trong nửa đầu năm, POW gặp phải tình huống trong nửa đầu năm chỉ nhận 650 ngàn tấn than, bằng 60% theo cam kết cung cấp từ Tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong suốt thời gian nổ ra xung đột, POW đã đấu thầu và ký kết hợp đồng 450 ngàn tấn.
Theo đại diện POW, công ty đã dự báo năm 2022 khan hiếm than có thể xảy ra nên từ cuối 2021 đã nhập thêm than và tăng lượng tồn kho than nhiều hơn so với các năm trước, khoảng hơn 200 ngàn tấn than. Lượng than tồn không quá lớn nhưng đủ để đảm bảo cho nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng không phải dừng máy. Nếu nhà máy phải dừng thì sẽ phát sinh chi phí liên quan cực lớn.
POW cho biết, dự báo giá than năm 2022 tăng cao, từ 10-15%. Theo thống kê của POW, do lượng than nhập khẩu cộng với trong nước đã tăng 12% so với 2021 (dù than trong nước chưa được phê duyệt tăng giá bán). Vì vậy, giá than cao đã được tính vào kế hoạch năm nay của POW.
Yếu tố thứ 2 dự báo sai là thời tiết và thủy văn. Chưa năm nào miền Bắc mưa nhiều như hiện nay khiến thủy điện Hòa Bình và Sơn La phải xả 5 cửa. Đồng thời, EVN dự kiến trong những tháng đầu mùa nắng miền Bắc sẽ thiếu điện, nhưng đến nay thì không có gì chính xác. Từ 20/5 lượng nước về hồ thủy điện nhiều thì giá mua điện cạnh tranh sẽ bắt đầu giảm.
Tuy nhiên, do nhà máy Nhơn Trạch 1 và 2 có cấu hình lên xuống máy linh hoạt, nên công ty đã bám sát thị trường và chào giá hiệu quả, góp phần mang lại kết quả đáng kể cho 6 tháng năm 2022.
Đối với vấn đề dịch bệnh Covid, PV Power đã dự báo chính xác thời điểm dịch thuyên giảm, nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu hồi phục. Theo dự báo của Bộ Công Thương, phụ tải dự kiến tăng trưởng 8,2-12,4%, còn POW dự báo trong khoảng 9-10%. Đến nay, con số ước tính tổng sản lượng điện thương mại đạt 134 tỷ kWh, tăng 10-11%. Trong đó, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất 42%, thủy điện 29%, năng lượng tái tạo 15% và khí 12%.
Giá điện trong nửa đầu năm tăng mạnh, có nhiều thời điểm lên 2.000 đồng/kWh. Các nhà máy Nhơn Trạch 1 và 2 nằm ở trung tâm phụ tải, kết hợp việc các nhà máy khác trùng tu, đã tranh thủ chạy để đạt hiệu quả cao.
Nhiều thách thức nửa cuối năm, Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ vận hành thương mại từ 2024-2025
Dự báo nửa cuối năm, ban lãnh đạo cho biết sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Không chỉ thách thức khi nền kinh tế thế giới suy thoái, tình hình thủy văn bất lợi mưa nhiều, mà cái khó khăn lớn nhất theo POW là loạt nhà máy đại tu, trùng tu như Cà Mau 1, Đakrinh và Nhơn Trạch 1.
Hiện, POW có 2 nhà máy thủy điện có thể hưởng lợi từ mưa nhiều là Đakrinh và Hủa Na, song tỷ trọng đóng góp trong hệ thống thấp. Công suất lớn nhất trong hệ thống vẫn là Vũng Áng 1, Cà Mau 1 & 2, Nhơn Trạch 1 & 2. Ngoài ra, khi giá than nhập khẩu tăng thì các nhà máy than và khí của tổng công ty có lợi thế hơn nhờ sử dụng nguồn trong nước và có tồn kho than.
Riêng với dự án Nhơn Trạch 3 và 4, theo POW dự án có tổng công suất phát trung bình 9 tỷ kWh/năm, vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Cơ cấu nguồn vốn hiện là 25% tự có và 75% vay.
Công ty thông tin thêm đã ký hợp đồng EPC vào 14/3 và khởi công trong quý 2. Theo kế hoạch, Nhơn Trạch 3 vận hành thương mại từ quý 4/2024 và Nhơn Trạch 4 từ quý 2/2025.
Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 sử dụng nguồn nhiên liệu từ LNG nhập khẩu, công nghệ chu trình hỗn hợp tuabin khí, phù hợp với quy hoạch điện VIII đang được lấy ý kiến. Theo quy hoạch điện VIII, từ 2030 giảm nhiệt điện than và tăng tuabin khí hỗn hợp dùng LNG.
Về vấn đề thu xếp vốn cho dự án, từ 2017 Chính phủ đã ngừng cấp vốn cho các dự án điện nên doanh nghiệp phải tự thu xếp. Tổng công ty đã làm việc với các định chế tài chính nước ngoài và đạt thỏa thuận vay vốn”, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc POW chia sẻ.
Về nguồn nhiên liệu, POW đang làm việc với PV GAS để mua LNG cho hợp đồng 15 năm, giá theo thị trường thế giới. Ông Giang cho rằng giá tăng chỉ trong ngắn hạn và sẽ sớm ổn định trở lại.
Ngoài ra, Công ty còn dự án lớn là LNG Quảng Ninh, công suất phát trung bình 9 tỷ kWh/năm, tổng mức đầu tư 2,04 tỷ USD. Dự án cũng dùng nguồn nhiên liệu LNG nhập khẩu, chu trình hỗn hợp tuabin khí thế hệ H mới nhất. Dự án là liên doanh giữa PV Power - Colavi - Marubeni - Tokyo Gas.