Theo thông báo từ Sở GDCK TP.HCM (HOSE), 2.341.871.600 cổ phiếu POW sẽ chính thức giao dịch tại HOSE kể từ ngày 14/1/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.900 đồng/CP, biên độ dao động giá +/-20%.
Trước đó, Sở GDCK Hà Nội (HNX) thông báo 467,8 triệu cổ phiếu POW hủy đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM kể từ ngày 28/12/2018 và ngày giao dịch cuối cùng là 27/12/2018.
PV Power hiện là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam, vận hành 8 nhà máy điện với tổng công suất 4,2 GW, chiếm khoảng 11% công suất phát điện cả nước, chỉ xếp sau EVN. Năm 2018 là một năm ghi dấu ấn khá đậm nét của PV Power khi công ty đã thực hiện thành công việc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 31/01/2018.
Sau thành công của đợt IPO, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, PV Power đã nhanh chóng thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 6/3/2018 với giá chào sàn là 14.400 đồng/CP.
Tiếp đó, vào ngày 26/6/2018, PV Power đã thực hiện thành công Đại hội thường niên lần thứ nhất để chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2018.
Ngày 14/11/2018, chưa đầy 3 tháng kể từ khi chính thức trở thành công ty đại chúng (31/8/2018), PV Power đã hoàn tất nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 2,34 tỷ cổ phiếu lên sàn HOSE, tương đương vốn điều lệ là 23.418 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, cổ phiếu POW được giao dịch quanh mức giá 15.000 đồng/CP, tương đương với vốn hóa Tổng công ty vào khoảng 35.115 tỷ đồng.
Trong ba doanh nghiệp lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cổ phần hóa vào đầu năm 2018 là Công ty TNHH Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), PV Power là doanh nghiệp đầu tiên hoàn tất công tác chuyển sàn.
Việc chuyển từ UPCoM lên HOSE sẽ giúp PV Power dễ dàng tiếp cận các dòng vốn trong và ngoài nước cũng như giúp cổ phiếu POW trở nên hấp dẫn hơn, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo PV Power trong việc thực hiện cam kết đối với cổ đông.
Việc chuyển niêm yết cổ phiếu POW lên sàn HOSE giúp tăng tính minh bạch của cổ phiếu, thanh khoản tăng tạo ra sức sống mới, đồng thời nâng cao công tác quản trị và khả năng huy động vốn của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
POW đang được kỳ vọng sẽ trở thành một cổ phiếu blue-chip, thêm một sự lựa chọn có chất lượng trên sàn HOSE cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc niêm yết trên HOSE được dự báo cũng sẽ hỗ trợ PV Power trong công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nhà nước sẽ thoái vốn tại PV Power xuống 51% trong năm 2018 và từ năm 2019 sẽ thoái xuống dưới mức chi phối tùy theo tình hình tái cấu trúc các khoản tín dụng liên quan đến Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Kể từ khi chính thức trở thành công ty cổ phần, PV Power có rất nhiều nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược, PV Power dự kiến sẽ tiếp tục thoái vốn thông qua mua bán trên sàn.
Hoạt động kinh doanh ấn tượng
Năm 2018, PV Power đã hoàn thành xuất sắc kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiều chỉ số ấn tượng. Sản lượng điện toàn PV Power đạt 21,007 tỷ kWh; doanh thu toàn PV Power cả năm ước đạt 33.363 tỷ đồng vượt kế hoạch 6%; doanh thu Công ty mẹ đạt 24.272 tỷ đồng vượt kế hoạch 8%; lợi nhuận trước thuế toàn Tổng công ty năm 2018 ước đạt 2.315 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ ước đạt 2.565 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước toàn Tổng công ty ước đạt 1.360 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch.
Ngoài hoạt động kinh doanh tiếp tục ổn định, PV Power cũng tích cực làm việc với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện thu xếp vốn cho các dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4. Tron g thời gian qua, Tổng công ty đã làm việc đối tác Marubeni (Nhật Bản), ING (Hà Lan), Ansaldo Energia (Italia), Standard Chartered (Anh), Citibank, DBS (Singapore), HSBC.
Đến nay, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, với kế hoạch xây dựng vào đầu năm 2020 trong thời gian 2,5 năm. Theo lộ trình, Nhà máy Nhơn Trạch 3 dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động năm 2022, và NT4 sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Tổng công suất của 2 dự án lên tới 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,2-1,5 tỷ USD. Theo ban lãnh đạo, Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ sử dụng cơ chế giá điện đặc biệt của EVN, do sử dụng LNG nhập khẩu.
Triển vọng các năm tới sáng sủa
Năm 2019 được dự báo là một năm nhiều triển vọng với PV Power với nhiều yếu tố thuận lợi như kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá được kiểm soát, triển vọng ngành điện sáng sủa khi nhu cầu phụ tải tiếp tục dự báo tăng từ 8-12% đến 2025, đi cùng với việc cải cách và mở cửa thực hiện thị trường cạnh tranh, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm của PV Power là tiếp tục duy trì, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả các nhà máy điện, phấn đấu tổng sản lượng điện sản xuất cả năm đạt 21,6 tỷ kWh trên cơ sở tối ưu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
PV Power đặt mục tiêu tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 32.769,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.500,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.275,2 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.304,5 tỷ đồng
Năm 2019, lợi nhuận PV Power dự kiến sẽ tăng trưởng tích cực khi một số nhà máy hết khấu hao, dự kiến, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 sẽ hết khấu hao vào năm 2019 và Nhà máy điện Cà Mau 1&2 hết khấu hao vào năm 2020.
Với một doanh nghiệp phát điện như PV Power, chi phí khấu hao chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu chi phí (chiếm khoản 17% chi phí kinh doanh, đứng thứ 2 sau nguyên vật liệu). Lợi nhuận của PV Power sẽ tăng mạnh sau khi 2 nhà máy này hết khấu hao.
PV Power nhiều khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất 2019 – 2023 đã đề ra khi tình hình tăng trưởng sản lượng của Tổng công ty vẫn tiếp tục ở mức 2%/năm cho giai đoạn 2019 - 2022 sau đó tăng mạnh vào năm 2023 khi dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đi vào hoạt động, từ đó khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp điện hàng đầu tại Việt Nam.