Vị thế đầu ngành, vững chắc
PV Power đang sở hữu 8 công ty/nhà máy điện với tổng công suất 4.208 MW, đứng thứ 2 cả nước về công suất và sản lượng phát điện. 64% công suất hiện tại của PV Power là tuabin khí, tập trung ở 3 nhà máy là Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 với tổng công suất đạt 2.700 MW.
Ưu điểm chính của nhà máy nhiệt điện khí so với nhiệt điện than và thủy điện là vòng đời hoạt động ngắn hơn, thông thường vòng đời các dự án điện khí khoảng 25 năm, nhiệt điện than khoảng 30 năm, thủy điện khoảng 40 năm.
Do vậy, nếu cùng tỷ suất hoàn vốn IRR thì dự án nhiệt điện khí sẽ có thời gian thu hồi vốn nhanh hơn, đồng thời lợi nhuận trong từng năm cũng cao hơn. Ngoài ra, suất đầu tư nhiệt điện khí cũng thấp hơn nhiệt điện than.
Theo CTCK Bảo Việt, đây là lý do khiến cho PV Power có suất đầu tư bình quân thấp nhất trong tổng số 5 công ty phát điện lớn nhất cả nước, bao gồm Genco 1, Genco 2, Genco 3 và Tổng công ty Điện lực TKV.
Một dự án lớn khác của PVPower là nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất 1.200 MW đã vận hành từ năm 2015 và đang hoạt động hiệu quả.
Trong tương lai, vị thế của PV Power tiếp tục được củng cố khi Tổng công ty đang triển khai kế hoạch đầu tư các dự án điện khí mới gồm 2 dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất tăng thêm là 1.500 MW, dự kiến sẽ đi vào vận hành trong 2021-2022.
Tiềm năng tăng trưởng ngành điện còn rất lớn với mức tăng trưởng dự báo đạt ít nhất 8-10%/năm trong những năm tới. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam theo thống kê có tốc độ tăng trưởng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP đầu người trong giai đoạn 2005-2016, duy trì tăng trưởng 2 con số trong vòng 3 năm trở lại đây. Bởi vậy sản xuất điện là một trong những ngành cơ bản rất có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của sản xuất, sinh hoạt.
Sức khỏe tài chính tốt
Phân tích của BVSC cho thấy, trong nhóm top 5 tổng công ty phát điện lớn nhất cả nước thì PV Power có cấu trúc tài chính an toàn hơn cả với tỷ lệ nợ/VCSH vào khoảng 60/40, một cấu trúc tài chính khá an toàn đối với doanh nghiệp điện, thấp hơn nhiều các công ty Genco dao động từ 75/25 tới 85/15, thậm chí 90/10.
Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện khí có vòng đời hoạt động ngắn hơn nên thời gian thu hồi vốn nhanh, giúp PV Power chi trả bớt lãi vay và giảm áp lực tài chính cho các năm tiếp theo. Do vậy, lợi nhuận của PV Power dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong những năm tới.
Theo số liệu của PV Power, trong 2017, doanh thu đạt khoảng 30.987 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.503 tỷ đồng, bằng 183% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế hợp nhất vào khoảng 2.300 tỷ đồng. ROE năm 2017 dự kiến đạt trên 8%, cải thiện hơn đáng kể so với năm trước.
Trong bản công bố thông tin trước IPO, PVPower đặt kế hoạch lợi nhuận trong 5 năm tới tăng trưởng khả quan (biểu đồ), tăng dần qua các năm và đạt 4.339 tỷ đồng vào năm 2021. Theo đó, ROE sẽ tăng dần qua các năm và đạt tới 12,6% vào năm 2021.
Như đã phân tích ở trên, tiêu thụ điện năng tại Việt Nam đang tăng mạnh mẽ sẽ giúp cho dòng tiền của doanh nghiệp thu hồi tốt. Đây sẽ nhân tố chính giúp cho doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh khả quan trong trung dài hạn.
Tại cuộc trao đổi với giới phân tích, đầu tư chứng khoán mới đây, lãnh đạo PVPower cho biết, dư địa để Tổng công ty gia tăng hiệu quả kinh doanh và hoạt động là tiếp tục cải thiện quản trị, tối ưu hóa công suất các nhà máy và cắt giảm chi phí hiệu quả.
Theo kế hoạch, ngày 31/1, PV Power sẽ đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng qua HNX với mức giá khởi điểm là 14.400 đồng/cổ phiếu. Tính trên lợi nhuận năm 2017 của PV Power và mức vốn điều lệ đã được phê duyệt theo phương án cổ phần hóa, PE của cổ phiếu PV Power đạt 14,3x, thấp hơn đáng kể so với PE bình quân của thị trường hiện nay là 20 lần.
Một điểm nữa khiến giới phân tích nhìn nhận cổ phiếu PV Power có tiềm năng là định hướng thoái bớt vốn của nhà nước tại Tổng công ty xuống dưới tỷ lệ chi phối 51% sau năm 2019. Đây sẽ là lực hút các nhà đầu tư lớn, các định chế tài chính nước ngoài tìm kiếm cơ hội bỏ vốn, thậm chí chi phối tại PVPower.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty có tới 32 tổ chức nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn điện lực lớn trên thế giới đã liên hệ, trao đổi về cơ hội đầu tư chiến lược vào PVPower. Sau IPO, Tổng công ty dự kiến đăng ký giao dịch ngay trong tháng 3 và hoàn thành niêm yết trong năm 2018. Đây cũng là yếu tố tạo ra sức hấp dẫn cho cổ phiếu được đánh giá nhiều tiềm năng trong các đợt IPO “bom tấn” diễn ra vào đầu năm 2018, ngay trước Tết Nguyên đán.