PV Gas hiện là doanh nghiệp công nghiệp dư dả tiền mặt vào loại nhất Việt Nam

PV Gas hiện là doanh nghiệp công nghiệp dư dả tiền mặt vào loại nhất Việt Nam

PV Gas mua 3 bán 10, hưởng lợi siêu lợi nhuận độc quyền?

Với giá khí ở bể Cửu Long mà PVN đang bán cho PV Gas là chưa đến 3 USD/triệu BTU, trong khi giá khí mà PV Gas bán ra cho các hộ tiêu thụ công nghiệp lên tới hơn 10 USD/triệu BTU, chênh lệch lên tới 7 USD/triệu BTU. 

Trong báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2014 của PV Gas có ghi nhận số lãi tiền gửi, tiền cho vay từ đầu năm tới nay là 573,6 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng số 611 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính của PV Gas. Dẫy vậy, con số này mới chỉ đóng góp chưa đến 10% tổng lãi gộp là 9.265 tỷ đồng mà PV Gas đã đạt được. 

Lãi to vì “chợ một người bán”

Hiện riêng lượng tiền mặt (tiền mặt và các khoản tiền gửi ngắn hạn) mà PV Gas đang nắm giữ đã lên đến 21.400 tỷ đồng, tương đương 43% tổng tài sản của PV Gas.

Với các số liệu này, PV Gas có thể là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhưng dư dả tiền mặt vào loại nhất ở Việt Nam hiện nay.

Câu hỏi được không ít người đặt ra là, vì sao PV Gas lại luôn dễ dàng đạt được mức lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, nhất là trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp phải tìm đủ cách để duy trì sự tồn tại?

Xét theo cách thông thường, PV Gas có thể tự hào với việc là doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường khí, khi đang nắm tới 70% thị phần cung cấp khí của cả nước. Tuy nhiên, sức mạnh của PV Gas nằm ở chính việc được giao nhiệm vụ độc quyền “tay hòm, chìa khóa” trong việc bán khí thu tiền, khi thực hiện các hợp đồng khai thác khí tại Việt Nam từ trước tới nay.

Theo Luật Dầu khí, các nguồn khí thiên nhiên đang khai thác ở Việt Nam đều phải có sự hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để tiến hành các hoạt động dầu khí. Với tư cách “chủ mỏ”, PVN bán lại lượng khí khai thác được cho PV Gas (đơn vị thành viên của PVN hoạt động trong lĩnh vực khí) để doanh nghiệp này tiếp tục bán tới các hộ tiêu thụ, như điện, phân đạm hay các doanh nghiệp công nghiệp khác.

Điều đáng nói là, trong khi giá khí đầu vào được chủ mỏ bán cho PVN hay PV Gas (đơn vị được giao trách nhiệm thay PVN) khá thấp, bởi phải tuân thủ các cam kết có từ cả chục năm qua, thì giá bán khí đầu ra cho các hộ tiêu thụ lại đang theo giá thị trường quốc tế (trừ các khối lượng khí đã được ký hợp đồng bao tiêu ngay khi phát triển các mỏ khí này).

Với thực tế này, phần lớn lợi nhuận “khủng” mà PV Gas và PVN có được từ kinh doanh khí là nhờ các quy định hiện hành trong việc quản lý tài nguyên đất nước. Nhất là khi giá khí quốc tế tăng mạnh khiến giá khí trong nước cũng tăng theo.

Khi PV Gas còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thì câu chuyện quản lý, phân chia lợi nhuận mà PV Gas thu được từ những lợi thế như nói trên không có nhiều chuyện để nói. Tuy nhiên, khi PV Gas đã chuyển thành công ty cổ phần và tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán, thì lợi nhuận có được từ sự độc quyền phân phối trên thị trường khí cũng như từ lợi thế trong việc khai thác tài nguyên của đất nước với giá rẻ để chia cho các cổ đông lại trở thành vấn đề lớn, rất đáng quan tâm.

PV Gas mua 3 bán 10, hưởng lợi siêu lợi nhuận độc quyền? ảnh 1

Phần lớn lợi nhuận “khủng” mà PV Gas và PVN có được từ kinh doanh khí là nhờ các quy định hiện hành trong việc quản lý tài nguyên đất nước


Cần điều tiết lợi nhuận từ mua - bán khí 

Trong tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã có Văn bản 2174/VPCP-KTTH, thay đổi mức giá bán khí ngoài bao tiêu cho sản xuất điện và giá khí bán cho sản xuất đạm. 

Theo đó, từ ngày 1/4/2014, giá bán khí cho sản xuất điện với lượng khí trên mức bao tiêu bằng 70% giá thị trường cộng với chi phí vận chuyển, phân phối. Từ ngày 1/7/2014, giá đã tăng lên 80%; từ ngày 1/10/2014, sẽ tiếp tục tăng đạt 90% và từ ngày 1/1/2015 sẽ bằng 100% mức giá thị trường cộng với chi phí vận chuyển, phân phối.

Giá khí thị trường được xác định bằng 46% giá dầu FO trung bình tại thị trường Singapore (theo Tạp chí Platt’s) cộng giá vận chuyển. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với giá khí mới, chi phí mua khí cho sản xuất điện của năm 2014 sẽ tăng thêm khoảng 1.178 tỷ đồng.

Tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí), mức giá khí mới bán cho sản xuất đạm từ ngày 1/4/2014 theo Văn bản 2174/VPCP-KTTHl cũng là giá khí thị trường. So với mức giá áp dụng trước đó, giá khí mà PV Gas bán cho Đạm Phú Mỹ đã tăng thêm 12%, khiến chi phí mua khí của Đạm Phú Mỹ tăng thêm khoảng 400 tỷ đồng cho năm 2014.

Tất nhiên, ở chiều ngược lại, với tư cách người bán khí duy nhất cho doanh nghiệp đạm và điện nói trên, PV Gas sẽ có doanh thu bán hàng tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng, kèm theo đó là lợi nhuận tương ứng. 

Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, cơ quan hữu trách đã từng tính toán, với giá khí ở bể Cửu Long mà PVN đang bán cho PV Gas là chưa đến 3 USD/triệu BTU, trong khi giá khí mà PV Gas bán ra cho các hộ tiêu thụ công nghiệp lên tới hơn 10 USD/triệu BTU, chênh lệch lên tới 7 USD/triệu BTU. 

Điều này đã hình thành nên những khoản lợi nhuận không hợp lý từ các quy định giá khí hiện hành cho PV Gas.

Bởi vậy câu chuyện giá khí đầu vào của PV Gas luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan hữu trách, đồng thời với các yêu cầu về hình thành nên thị trường khí cạnh tranh công bằng từ Chính phủ.

Trong tiến trình này, đã có đề xuất việc giá khí mà PVN bán cho PV Gas sẽ theo công thức 46% giá dầu FO trung bình tháng của thị trường Singapore. Còn PV Gas sẽ bán khí cho hộ tiêu thụ theo giá thị trường và các quy định khác của pháp luật về giá.

Với hướng này, lợi ích của việc giá mua khí đầu vào thấp - giá bán khí đầu ra cao cho các hộ tiêu thụ bấy lâu sẽ không còn nằm lại ở PV Gas, mà chuyển sang PVN.

Tin bài liên quan