Theo đó, trong quý IV/2021, PVD ghi nhận doanh thu đạt 1.333,71 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 49,57 tỷ đồng, lần lượt tăng 61,9% và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 4,4% lên 10,2%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 277%, tương ứng tăng thêm 99,68 tỷ đồng lên 135,67 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 44,1%, tương ứng giảm 22 tỷ đồng về 27,9 tỷ đồng; lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết giảm 79,3%, tương ứng giảm 68,58 tỷ đồng về 17,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 5,2%, tương ứng giảm 5,37 tỷ đồng về 98,19 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm chủ yếu do giảm doanh thu tài chính và lãi từ công ty liên doanh, liên kết.
Lũy kế trong năm 2021, PVD ghi nhận doanh thu đạt 3.988,14 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 36,46 tỷ đồng, lần lượt giảm 23,7% và 80,2% so với thực hiện trong năm 2020.
Xét về dòng tiền, trong năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 417 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 164,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 461,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 151,2 tỷ đồng.
Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của PVD giảm 0,5% so với đầu năm về 20.745,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 12.956,5 tỷ đồng, chiếm 62,5% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.675 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.938,7 tỷ đồng, chiếm 9,3% tổng tài sản và các tài sản khác.
Danh mục nợ xấu của PVD lên tới 183,98 tỷ đồng tính tới 31/12/2021. |
Điểm đáng lưu ý, trong năm 2021, công ty ghi nhận nợ xấu đối với KrisEnergy Cambodia Company Ltd là 89,2 tỷ đồng và đã trích lập 26,8 tỷ đồng. Được biết, trong tháng 6/2021, KrisEnergy đệ đơn lên tòa án xin phá sản và sẽ bán tài sản để trả nợ và sau đó PVD bắt đầu trích lập dự phòng giảm giá khoản phải thu của đối tác này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/1, cổ phiếu PVD tăng 250 đồng lên 32.750 đồng/cổ phiếu.