Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Cherepovets hôm nay. Ảnh: Tass.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Cherepovets hôm nay. Ảnh: Tass.

Putin nói cải cách không nhằm kéo dài quyền lực

Putin cho biết ông đề xuất sửa đổi hiến pháp không nhằm kéo dài quyền lực cá nhân, mà để cải thiện hệ thống chính trị Nga.

"Trong thời gian làm tổng thống và thủ tướng, tôi nhìn rõ nhiều thứ không hoạt động hiệu quả. Lĩnh vực y tế và giáo dục thường xuyên phát sinh vấn đề. Đó là lý do tôi đưa ra đề xuất và điều đó không nhằm kéo dài quyền lực của tôi", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một đại học ở thành phố Cherepovets, phía bắc thủ đô Moskva hôm nay. 

Trong Thông điệp Liên bang hôm 15/1, ông chủ Điện Kremlin gây bất ngờ khi đề xuất một cuộc đại tu hiến pháp Nga và đã được hạ viện thông qua.

Theo đề xuất này, hạ viện có quyền chọn thủ tướng và các vị trí nội các cấp cao, quyền lực vốn thuộc về tổng thống. 

Putin còn muốn thắt chặt yêu cầu với ứng viên tổng thống, đồng thời thay đổi quy định một tổng thống không được cầm quyền quá hai nhiệm kỳ liên tiếp thành chỉ được giữ chức hai nhiệm kỳ.

Cựu thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng toàn bộ quan chức chính phủ đã từ chức để tạo điều kiện cho việc sửa đổi hiến pháp. 

Các đề xuất của Putin làm dấy lên suy đoán rằng ông đang tìm cách kéo dài quyền lực sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ tư vào năm 2024.

Thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny nói rằng Putin muốn biến mình thành "lãnh đạo trọn đời". 

Tuy nhiên, Tổng thống Nga khẳng định công chúng sẽ có tiếng nói cuối cùng đối với việc thực hiện bước ngoặt này.

Họ có thể ủng hộ hoặc bác bỏ dự luật cải cách hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý, nhưng chưa rõ thời gian tổ chức cuộc trưng cầu.

Theo khảo sát công bố tuần trước của Trung tâm Levada, một tổ chức thăm dò độc lập, 47% người Nga tin các sửa đổi nhằm phục vụ lợi ích của Putin, trong khi 44% nói rằng những thay đổi có mục đích cải thiện hệ thống chính trị. 

Tin bài liên quan