Dầu lửa là chìa khóa để ông Putin có thể nắm được quyền lực kể từ khi ông kế nhiệm Boris Yeltsin năm 2000. Đây cũng là “nhiên liệu” để nền kinh tế Nga tăng trưởng bình quân 7% trong thời gian từ năm 2000 đến 2008.
Hiện tại, với nền kinh tế đang gần như dậm chân tại chỗ, Nga đang choáng váng bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu cùng một đồng rúp mất giá kỷ lục. Tổng thống Putin, người được sự ủng hộ của hơn 80% dân chúng – theo khảo sát – kể từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3, đã không còn nhiều tiền để tăng lương cho khu vực nhà nước, trong khi các công ty bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà nước để duy trì hoạt động đầu tư.
“Có tỷ lệ tín nhiệm vẫn cao, nhưng là người đang điều khiển một chính sách rủi ro như vậy, ông Putin phải hiểu được những giới hạn kiên nhẫn của người dân, doanh nghiệp và giới làm chính trị”, Olga Kryshtanovskaya, một nhà xã hội học đang nghiên cứu về tầng lớp thượng lưu tại Học viện Khoa học Nga ở Moscow, nói. “Ông Putin đang đau đầu nghĩ cách để không bị mất mặt trong khi vẫn duy trì được sự ủng hộ”.
Giá dầu thô đã giảm hơn 20% từ mức cao hồi tháng 6, lấy đi hàng tỷ USD tiền thuế từ lĩnh vực xuất khẩu giá trị nhất nước Nga. Ngân sách nước này sẽ rơi vào thâm hụt trong năm tới nếu giá dầu thấp hơn 104 USD/thùng, theo ngân hàng đầu tư Sberbank CIB. Ở mức 90 USD/ounce, gần với giá hiện tại, Nga sẽ mất 1,2% GDP.
Nga đã chi ra khoảng 6 tỷ USD để can thiệp thị trường tiền tệ trong tháng này, nhằm giữ đồng rúp được thả nổi. Công ty dầu lửa lớn nhất của Nga, OAO Rosneft, nhà sản xuất khí đốt OAO Novatek, và ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank nằm trong số những công ty mục tiêu của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.