Trong ngắn hạn, lĩnh vực cơ khí và thầu xây lắp vẫn là động lực tăng trưởng của PTSC

Trong ngắn hạn, lĩnh vực cơ khí và thầu xây lắp vẫn là động lực tăng trưởng của PTSC

PTSC (PVS) quyết “dốc túi” chơi lớn!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) đang thiếu hụt 8.919 tỷ đồng vốn chủ sở hữu đến năm 2030 khi có tham vọng đầu tư dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore.

Quá trình trả cổ tức tiền mặt có thể bị gián đoạn

Bên cạnh mảng dịch vụ dầu khí truyền thống, trong thời gian gần đây và một lần nữa tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Ban lãnh đạo PTSC thể hiện quyết tâm trở thành nhà cung cấp dịch vụ quốc tế về điện gió ngoài khơi (nhà đầu tư dự án thay vì chỉ cung cấp dịch vụ cơ khí dầu khí như trước).

Trong đó, để đáp ứng nhu cầu vốn lớn chủ yếu do định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, bao gồm làm tổng thầu EPC và tham gia phát triển điện gió ngoài khơi, PTSC lên kế hoạch tài chính dự kiến đến năm 2030 với nhu cầu vốn lên tới 70.640 tỷ đồng.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC chia sẻ, Công ty chưa có chủ trương tham gia dự án điện gió ngoài khơi trong nước và chỉ đang tập trung dự án xuất khẩu điện gió. Trong đó, dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore đang lựa chọn nhà thầu khảo sát, dự kiến cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu năm 2025 sẽ hoàn thành chọn nhà thầu khảo sát để đưa thiết bị khảo sát. Đây là dự án cụ thể có quy mô lớn mà PTSC tham gia.

Theo kế hoạch, dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore được PTSC triển khai cùng đối tác Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU), đơn vị thành viên của Sembcorp Industries Limited. Trong đó, liên danh PTSC & SCU sẽ cùng nghiên cứu đầu tư xây dựng 1 trang trại điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu, với tổng công suất lắp đặt khoảng 2.300 MW để xuất khẩu điện sạch sang Singapore.

Về nhu cầu vốn, theo chia sẻ về kế hoạch triển khai giai đoạn 2024 - 2030 của PTSC, nhu cầu về vốn chủ sở hữu là 17.641 tỷ đồng. Trong đó, 4.720 tỷ đồng cho giai đoạn 2024 - 2025 và 12.921 tỷ đồng cho giai đoạn 2026 - 2030.

Tính tới 31/12/2023, nguồn vốn chủ sở hữu dùng để đầu tư dài hạn của PTSC là 7.889 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chưa sử dụng để đầu tư là 1.149 tỷ đồng, nguồn vốn bổ sung vốn chủ sở hữu giai đoạn 2024 - 2030 là 10.128 tỷ đồng (bổ sung từ lợi nhuận sau thuế hàng năm, bổ sung từ thu hồi vốn đầu tư dài hạn, bổ sung từ nguồn khấu hao hàng năm …). Ngược lại, nhu cầu vốn chủ sở hữu đầu tư giai đoạn 2024 - 2030 là 20.196 tỷ đồng, vì vậy thiếu hụt vốn chủ sở hữu tới năm 2030 là 8.919 tỷ đồng.

PTSC đang tính tới các phương án như chưa chia cổ tức bằng tiền và sử dụng toàn bộ lợi nhuận hàng năm (sau khi trích quỹ khen thưởng, phúc lợi và thưởng ban điều hành) để bổ sung quỹ đầu tư phát triển; thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành chào bán cổ phiếu, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức… (kế hoạch huy động vốn cụ thể chưa được công bố và đang xin ý kiến).

Về tình hình kinh doanh của PTSC, giai đoạn năm 2019 tới năm 2022, lợi nhuận duy trì từ 677 - 944 tỷ đồng/năm và năm 2023 vượt lên 1.060 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi nhuận thấp hơn nhiều giai đoạn đỉnh điểm của ngành dầu khí 2011 - 2015 (lãi kỷ lục 1.824 tỷ đồng trong năm 2014).

Bức tranh kinh doanh cải thiện trong hơn 2 năm qua nhờ giá dầu tăng và neo ở vùng cao, điều này kéo theo nhóm doanh nghiệp thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dầu khí hồi phục.

Đáng chú ý, PTSC được biết đến là một doanh nghiệp sở hữu dòng tiền ổn định nhờ cung cấp dịch vụ ở thượng nguồn nhóm dầu khí. Trong đó, từ năm 2019 tới nay, đơn vị này duy trì chính sách cổ tức hấp dẫn, năm 2019 trả với tỷ lệ 10%, năm 2020 trả 10%, năm 2021 trả 8%, năm 2022 trả 7% và năm 2023 trả 7%.

Tuy nhiên, với việc không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn tham gia với tư cách nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, điều này có thể dẫn tới chính sách cổ tức đảo ngược, thậm chí PTSC có thể đẩy mạnh huy động vốn từ cổ đông nếu như việc khảo sát khả thi vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 như kế hoạch.

Thêm nữa, ngoài đặc điểm vốn đầu tư dự án điện gió ngoài khơi lớn, dự án cũng cần một giai đoạn vận hành ban đầu với áp lực chi phí tài chính, khấu hao nhất định. Vì vậy, giai đoạn từ nay tới năm 2030, chính sách cổ tức tiền mặt (như giai đoạn 2019 - 2023) có thể sẽ bị đảo ngược.

Nếu kế hoạch trả cổ tức tiền mặt tại PTSC bị gián đoạn, điều này đồng nghĩa gây áp lực lên các cổ đông nhỏ lâu nay đầu tư vào PTSC để nhận cổ tức hàng năm, vì chính sách cổ tức tiền mặt có khả năng sẽ không được duy trì trong một thời gian dài.

Ngắn hạn vẫn là lĩnh vực cơ khí & xây lắp (M&C)

Năm 2024, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) ước tính, PTSC có thể ghi nhận doanh thu tăng 34,5%, lên 26.030 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 14,3%, lên 1.177 tỷ đồng (kế hoạch doanh nghiệp đặt ra là lợi nhuận giảm 38%, về 660 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu tăng chủ yếu từ kỳ vọng lĩnh vực cơ khí và thầu xây lắp tăng 54,1%, lên 17.183 tỷ đồng; lĩnh vực căn cứ cảng dầu khí tăng 10%, lên 1.631 tỷ đồng và các lĩnh vực khác biến động không đáng kể.

Thực tế, cơ cấu doanh thu của PTSC vẫn chủ yếu đến từ lĩnh vực cơ khí và xây lắp; dịch vụ cung ứng kho nổi chứa, xử lý và xuất khẩu dầu thô FSO/FPSO; dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí; dịch vụ căn cứ cảng. Riêng đối với lĩnh vực cơ khí và xây lắp, năm 2022, Công ty ghi nhận 8.662,7 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng doanh thu; năm 2023 ghi nhận 9.471,97 tỷ đồng, chiếm 45,1% tổng doanh thu; quý I/2024 ghi nhận 2.134,6 tỷ đồng, chiếm 48,6% tổng doanh thu.

Theo phân tích từ BSC, đối với lĩnh vực cơ khí và xây lắp, triển vọng đến từ các dự án điện gió, dự án dầu khí có khả năng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2024 - 2025.

Cụ thể, đối với các dự án năng lượng tái tạo có tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.390 triệu USD, dự kiến hạch toán doanh thu 476 triệu USD trong năm 2024 và 550 triệu USD trong năm 2025. Trong đó, doanh thu năm 2024 đến từ dự án Điện gió Hai Long 2 & 3 (Đài Loan - Trung Quốc), dự án Điện gió Greater Changhua 2a&4 (Đài Loan - Trung Quốc), dự án điện gió Baltica 2 (Ba Lan), dự án điện gió Fengmiao (Đài Loan - Trung Quốc) và các dự án khác.

Đối với các dự án dầu khí, PTSC đang có tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.776 triệu USD, dự kiến hạch toán 226 triệu USD trong năm 2024 và 684 triệu USD trong năm 2025. Trong đó, doanh thu năm 2024 đến từ dự án Lạc Đà Vàng; dự án Lô B - Ô Môn EPCI#1; dự án Lô B - Ô Môn EPCI#2; dự án Lô B - Ô Môn - Đường ống dẫn khí trên bờ; dự án Gallaf Batch 3.

Về tiến độ dự án Lô B, Tổng giám đốc Lê Mạnh Cường cho biết: “Chúng tôi là nhà thầu, không phải nhà đầu tư dự án. Dự án Lô B vào ngày 28/3/2024 đã có một loạt thỏa thuận ký kết triển khai dự án. Các công tác cần thiết cho việc triển khai dự án được các bên tham gia và có nhiều hợp đồng đã ký kết. Điều này cho thấy, dự án được triển khai quyết liệt. PTSC đang triển khai đúng thỏa thuận, đúng tiến độ các hợp đồng số 1, 2 và dự án số 3 về đường ống cũng đã ký hợp đồng chính thức, mọi việc đang đúng lộ trình và chưa có yếu tố nào ảnh hưởng đến việc triển khai dự án”.

Tin bài liên quan