PSDI 2021: Hải Phòng dẫn đầu cả nước về chỉ tiêu công việc tốt và tăng trưởng kinh tế

PSDI 2021: Hải Phòng dẫn đầu cả nước về chỉ tiêu công việc tốt và tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị” do Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức mới đây, chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) 2021 đã được công bố, với Đà Nẵng và Hải Phòng là 2 địa phương dẫn đầu.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia, tuy nhiên, để đo lường và thống kê ở cấp độ địa phương là một thách thức lớn đối với các tổ chức và cấp chính quyền.

Theo đó, chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) được nhóm nghiên cứu tại Học viện Chính sách và Phát triển xây dựng nhằm đánh giá mức độ phát triển các địa phương trên nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh việc đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển bền vững của các địa phương, chỉ số PSDI còn phần nào phản ánh khoảng cách trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương đó.

PSDI 2021 bao gồm 14 chỉ số thành phần phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Kết quả trung bình của 63 tỉnh thành trên cả nước năm 2021 đạt 51,38 điểm cho thấy các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Năm 2021, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu cả nước với 65,28 điểm. Trong số 14 mục tiêu phát triển bền vững, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mục tiêu bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh; tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm.

Xếp thứ hai là thành phố Hải Phòng, với 64,09 điểm. Hải Phòng thể hiện sự vượt trội về các chỉ tiêu kinh tế với thành phần: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế (xếp thứ nhất trong 63 tỉnh thành thành) và Công nghiệp, đổi mới sáng tạo (xếp thứ 2/63 tỉnh thành).

Tuy nhiên, sự phát triển của Hải Phòng được đánh giá còn thiếu sự đồng đều khi có nhiều chỉ tiêu nằm trong Top 20 tỉnh đứng cuối, đặc biệt là các chỉ tiêu xã hội - môi trường như bình đẳng giới, đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Xếp hạng các địa phương theo Chỉ số PSDI 2021

Xếp hạng các địa phương theo Chỉ số PSDI 2021

Đứng cuối bảng xếp hạng chủ yếu là các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, với đặc điểm chung là những hạn chế trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong đó, vị trí cuối cùng với 37,28 điểm là Hà Giang, với 8/14 mục tiêu nằm trong Top 5 tỉnh cuối cùng của cả nước. Tương tự Hà Giang, Cao Bằng (37,73 điểm, xếp hạng 62/63) chỉ thực hiện tương đối tốt việc bảo vệ rừng, trong khi phần lớn các mục còn lại xếp hạng từ 50-63.

Hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị” là một trong những hoạt động kỷ niệm 15 năm thành lập Học viện Chính sách và Phát triển, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước, thể hiện đúng định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Học viện Chính sách và Phát triển, trở thành tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách, cầu nối giữa các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017.

Theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên Hợp Quốc với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong nội dung kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động với nhiều nội dung thực hiện khác nhau. Đồng thời, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động này.

Tin bài liên quan