Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản đã trở thành xu hướng. Ảnh: Dũng Minh

Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản đã trở thành xu hướng. Ảnh: Dũng Minh

Proptech, chịu chi và... chịu lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công nghệ bất động sản (Proptech) được cho là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng dấn thân vào cuộc chơi này, yếu tố đầu tiên là phải... chịu chi và chịu lỗ nặng buổi ban đầu.

Giao dịch số ngày một phổ biến

Là một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm nhất tại Tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư vừa tổ chức, giao dịch điện tử trên các thiết bị di động thông minh như smartphone, máy tính bảng… ngày càng trở nên phổ biến với người dân Việt Nam.

Các kênh đầu tư truyền thống hiện nay từ chứng khoán, vàng, ngoại tệ đến gửi tiết kiệm đã theo kịp bước tiến của những kênh đầu tư mới như tiền kỹ thuật số, tiền ảo… nhờ được số hóa mạnh mẽ. Từ cuốn sổ tiết kiệm bằng giấy được chuyển đổi sang sổ tiết kiệm điện tử và người dân chỉ cần vài cú chạm trên màn hình điện thoại hay máy tính là có thể thực hiện được giao dịch với mức độ an toàn, tính bảo mật cao hơn nhiều so với các phương thức truyền thống.

Theo đó, câu hỏi “một kênh đầu tư truyền thống khác là bất động sản liệu cũng tiếp bước để chỉ cần một cú ‘chạm tay vào màn hình’ là khách hàng có thể thực hiện được các giao dịch tương tự” được đặt ra.

Tại buổi công bố báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), một trong những trọng tâm được các chuyên gia chia sẻ cũng là câu chuyện về chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, hay hẹp hơn là triển vọng “thương mại điện tử hóa” với việc mua/bán tài sản bất động sản trong tương lai.

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch VARS, cũng là nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze cho biết, theo thống kê của ESCP Business School, lĩnh vực Proptech (Property Technology - công nghệ bất động sản) phát triển trên toàn cầu từ năm 2010 với chưa đầy 1 tỷ USD quy mô vốn đầu tư ban đầu và tới đầu năm 2022, con số này đã tăng lên 14 tỷ USD. Trong giai đoạn 2020-2021, dòng vốn đầu tư trên toàn cầu dành cho Proptech đạt trên 10 tỷ USD/năm và ở khu vực châu Á, các thị trường đi đầu trong lĩnh vực này như Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore… bắt đầu nhận nguồn vốn đầu tư ấn tượng khoảng 700 triệu USD.

Tại Việt Nam, lĩnh vực Proptech cũng đã tiến một bước dài. Nhiều chủ đầu tư bắt đầu kết hợp các công nghệ xây dựng thông minh cho các sản phẩm, công tác quản lý, bán hàng, tiếp thị cũng được thực hiện trên môi trường online… đã giúp giảm đáng kể chi phí so với các kênh truyền thống. Các giải pháp công nghệ còn mang lại cho cộng đồng cư dân có được trải nghiệm tốt hơn bằng nhiều tính năng tích hợp, xây dựng nền tảng cho cộng đồng môi giới trở nên chuyên nghiệp hơn, cũng như tạo nên mô hình đầu tư mới để mọi thành viên thị trường đều có thể dễ dàng tham gia...

“Đặc biệt, một xu thế quan trọng là mọi người muốn được sử dụng tất cả các tính năng chỉ trong một nền tảng để tiết kiệm nhiều thời gian hơn và đầu tư hiệu quả hơn”, ông Lâm nói, đồng thời nhấn mạnh, đó là cơ sở tạo nên cuộc cách mạng Proptech tại Việt Nam.

Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc, Trưởng Khối Tư vấn ứng dụng khoa học dữ liệu S22M, Savills Việt Nam cho hay, hiện nay, mặc dù các khoản đầu tư vào Proptech phần lớn dành cho các hoạt động ứng dụng công nghệ kết nối người dùng cuối và các tác vụ liên quan đến quản lý, hỗ trợ tăng giá trị cho bất động sản, nhưng việc áp dụng cho cả khâu tài chính bất động sản cũng dần hiện diện.

Với cơ cấu dân số trẻ, thường xuyên sử dụng công nghệ (64 triệu người dùng internet, chiếm khoảng 66% dân số), quy mô thị trường bất động sản Việt Nam dự kiến lên tới 21 tỷ USD nên các doanh nghiệp Proptech có nhiều điều kiện lý tưởng để phát triển. Số liệu của FinREI Investment JSC cho thấy, Việt Nam hiện có gần 60 doanh nghiệp Proptech đang hoạt động và có nhiều start-up Proptech chuẩn bị “chào sân” thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ về xu hướng tiêu dùng và việc phát triển các công cụ phục vụ cho các hoạt động giao dịch điện tử với một lĩnh vực đặc thù như bất động sản đã được đẩy nhanh hơn dự kiến. Nhiều nhà phát triển bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh đã tiên phong trong xu hướng này.

Đơn cử, Sunshine Group sớm cho ra mắt Sunshine App, tích hợp 2 nhu cầu mua nhà và đầu tư bất động sản. Song song đó, Vingroup ra mắt sàn thương mại điện tử Vinhomes Online, mô hình kinh doanh bất động sản trực tuyến, kết nối chủ đầu tư và khách hàng thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh.

Trước đó không lâu, Đất Xanh Services - đơn vị phụ trách mảng dịch vụ của Tập đoàn Đất Xanh, cũng tung ra ứng dụng Real Agent nhằm giúp chủ đầu tư, đại lý môi giới chủ động thiết lập thông tin dự án, chính sách kinh doanh, cách thức và lộ trình bán hàng, các quá trình booking, chuyển cọc, hợp đồng, đối chiếu và trả phí, tư vấn bán hàng… đều được số hóa. Những tên tuổi khác như NovaLand, HimLamLand, Đại Phúc Group, Phúc Khang, DRH… công bố đang hoàn thiện phần mềm công nghệ áp dụng cho các dự án.

Yếu tố cốt lõi của giao dịch bất động sản online

Khoảng 10 năm trước, khi thị trường chợ trực tuyến bất động sản tại Việt Nam còn sơ khai, khách hàng sẵn sàng nhận tờ rơi chương trình quảng bá bất động sản từ sale, dừng lại đọc một quảng cáo bán nhà, đất được dán tại cột điện bất kỳ trên đường, không cảm thấy quá phiền khi nhận một tin nhắn quảng cáo bán nhà... Đó cũng là lý do tại sao các đơn vị phân phối, doanh nghiệp công nghệ không quá chú trọng đến việc phát triển một nền tảng chuyên sâu về bất động sản để phục vụ người dùng, nhưng nay đã khác.

Theo ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Chủ tịch King Broker, hiện nay, sẽ rất khó để nhân viên môi giới có thể bán được hàng khi chỉ dựa vào các công cụ, phương pháp truyền thống. Khách hàng cảm thấy mệt mỏi vì bị làm phiền bởi cả chục cuộc gọi chào bán bất động sản mỗi ngày, điện thoại cũng liên tục nhận các tin nhắn chào mời... và khi hành động đó được lặp đi lặp lại thì sự phản ứng từ phía khách hàng tất yếu là tiêu cực.

Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, bất động sản là một sản phẩm có giá trị cao và hành vi mua bán đã trở thành “tập quán” của người tiêu dùng Việt Nam là rất quan tâm tới yếu tố niềm tin. Do vậy, muốn tạo ra hướng đi đột phá trong các hoạt động số hóa giao dịch bất động sản là rất khó nếu không phá vỡ được “rào cản tâm lý” này, nhất là khi mức độ tin cậy của thông tin bất động sản chưa cao như hiện nay.

Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận sự nở rộ của các phần mềm, nền tảng công nghệ liên quan đến bất động sản những năm gần đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm cách nào để kiểm định được những tiêu chí khách hàng cho rằng phù hợp với bản thân là đúng với thực tế, chứ không bị thổi phồng, khi mà đa số khách hàng liên hệ với người bán tạm gọi là “chủ nhà” trên các nền tảng công nghệ bất động sản đều chỉ gặp được những môi giới không chuyên.

Câu chuyện của Propzy - từng là một trong những start-up đình đám về giao dịch bất động sản online, đã sa thải tới 50% nhân viên khi thực hiện tái cấu trúc mô hình kinh doanh từ tháng 9/2021 đến nay là một ví dụ điển hình về khó khăn khi muốn chuyển đổi thói quen của người dân trong giao dịch bất động sản từ “mắt thấy, tai nghe, tiền trao trực tiếp” sang “giao dịch online”.

Có thời điểm, start-up này đặt mục tiêu mở rộng quy mô lên 70 trung tâm và 1.300 nhân viên bán hàng, nhưng rồi cuộc “rong chơi” với công nghệ buộc phải dừng lại. Đại diện Propzy cho biết, việc giải thể công ty con nhằm thống nhất thành một pháp nhân duy nhất là Công ty TNHH Propzy Việt Nam để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, thay vì tin đồn đóng cửa.

Tuy nhiên, với nhiều người đang hoạt động trong lĩnh vực này, sự trở lại Propzy là một dấu hỏi lớn khi động thái cắt giảm nhân sự, đóng cửa công ty con dường như là lời ngầm thừa nhận về sai lầm của Ban lãnh đạo Propzy trong việc phát triển công ty, khi chưa thể đưa thương hiệu này thoát khỏi “chiếc áo” trang tin mua bán rao vặt mà nhiều doanh nghiệp công nghệ bất động sản vấp phải trước đó.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Chủ tịch sáng lập Upgen cho hay, trên thực tế, đa phần các nền tảng số đều lỗ trong thời kỳ đầu phát triển (tối thiểu 10 năm), song vẫn được rót vốn rất mạnh bởi nguyên tắc kinh tế nền tảng là trả trước cho những thay đổi hành vi, mà muốn làm được điều này cần rất nhiều thời gian.

“Khi hành vi thay đổi, chúng ta sẽ có một nền kinh tế rất khác. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp của Nhà nước trong việc tạo cơ chế cho việc thúc đẩy các Proptech phát triển”, ông Nam nói.

Tin bài liên quan