Khó khăn từ chính sách
“Có những nhà đầu tư theo đuổi một dự án PPP suốt 10 năm không xong”. Chia sẻ này của luật sư Trần Anh Đức (Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam) đã phần nào nêu lên thực trạng khó khăn của doanh nghiệp trong việc tham gia vào mô hình hợp tác công - tư.
Những ưu điểm của PPP là điều dễ nhận thấy, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn “chùn bước” khi tham gia các dự án này bởi nhiều mối lo ngại.
Theo số liệu công bố tại hội thảo về “Đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư” vừa tổ chức mới đây, hiện có khoảng 50 - 70 dự án PPP, với sự tham gia của phần lớn là nhà đầu tư trong nước. Lý giải điều này, luật sư Anh Đức cho hay, nhà đầu tư nước ngoài muốn quay vòng vốn đầu tư nhanh, trong khi các dự án PPP tại Việt Nam thường kéo dài nhiều năm với không ít yếu tố bất lợi.
Có những dự án PPP được đánh giá rất hấp dẫn, nhà đầu tư nào cũng muốn tham gia, nhưng đến vòng sơ tuyển chỉ còn 5 - 6 công ty quan tâm.
“Nhà đầu tư lo ngại những thay đổi về chính sách và các rủi ro khó lường trước nên còn đắn đo. Bởi vậy, trong hai năm trở lại đây đã có nhiều mô hình PPP bị thất bại”, lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, quy định pháp luật đang là vấn đề cần tiếp tục cải thiện. Riêng quy định về PPP, có 17 luật, 63 nghị định và nhiều thông tư quy định các vấn đề liên quan đến mô hình này.
“Nếu Nghị định 15/2015/NĐ-CP nêu vốn chủ sở hữu giải ngân theo tiến độ thì Luật Doanh nghiệp lại quy định vốn điều lệ đóng trong 90 ngày. Doanh nghiệp làm kiểu gì cũng sẽ bị cho là sai. Thậm chí, nếu làm theo Luật Doanh nghiệp còn bị cho là vi phạm điều 64 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Huy nói.
Cụ thể, vốn chủ sở hữu hiện nay quy định là 15% tổng vốn đầu tư. Nếu đóng vốn chủ sở hữu theo tiến độ thì doanh nghiệp có thời gian 1 - 2 năm để xoay vòng vốn, còn nếu bắt buộc đóng sau 90 ngày ký hợp đồng dự án thì tiền đứng yên một chỗ, doanh nghiệp bị kêu lãng phí. Do đó, loay hoay giữa các quy định là vấn đề nan giải của doanh nghiệp.
Hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư
Đại diện Công ty Luật Hồng Quang nhìn nhận, mô hình kinh doanh PPP mặc dù rất tiềm năng nhưng bức tranh đầu tư không sáng. Theo vị đại diện này, khi tham gia kinh doanh thương mại, nhà nước có nhiều lợi ích cần được bảo vệ nên dù hợp đồng đã được ký xong thì rủi ro vẫn cao, bởi hợp đồng có thể bị chỉnh sửa.
Về vấn đề này, một nhà đầu tư cũng bày tỏ: “Chúng tôi mong có khung pháp lý giúp nhà đầu tư an tâm sau khi ký hợp đồng PPP với Nhà nước. Hiện nay nhà đầu tư yếu thế dù hợp đồng đã ký, bởi cơ quan Nhà nước vẫn có quyền thay đổi hợp đồng, cũng như dừng thu phí”.
Trong khi đó, theo luật sư Lê Nết (Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC), tương lai của các dự án PPP không được đảm bảo khi không có thay đổi về cách nhìn nhận, đánh giá và thực hiện hợp đồng. Để khắc phục, hợp đồng cần có những điều khoản hạn chế rủi ro và nhà đầu tư cần biết cách phân bổ rủi ro. Nếu nhà đầu tư hạn chế về quy mô, năng lực tài chính có thể kết hợp với nhà đầu tư khác theo hình thức thành lập công ty cổ phần nhằm giảm thiểu rủi ro đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên đàm phán, thiết lập, thỏa thuận biên độ điều chỉnh nhất định và các điều khoản mang tính linh hoạt trong hợp đồng. Đồng thời nên có quy định về cơ chế thỏa thuận lại thời hạn khai thác thương mại hoặc bảo lãnh doanh thu tối thiểu nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình.
Hiện nay, Cục Quản lý đấu thầu đang đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi và quy định chặt chẽ hơn trong thu hút đầu tư hình thức PPP.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đang soạn thảo các văn bản liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến phương án tài chính của dự án PPP như khung lợi nhuận dự án PPP, lợi nhuận nhà đầu tư dự án hình thức BT (liên quan đến quỹ đất thanh toán)...