Cuối tuần qua (ngày 26/4), lần thứ hai trong tháng 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị về PPP, cho thấy mức độ quan tâm rất lớn của Bộ và các nhà đầu tư với mô hình này.
Nông sản rộng đường xuất khẩu nhờ PPP
Việt Nam là một trong 11 nước trên thế giới thử nghiệm mô hình PPP trong nông nghiệp, với sự tham gia của 20 tập đoàn hàng đầu và các công ty trên thế giới. Cho đến nay, 6 nhóm PPP về chè, trái cây và rau quả, hàng hóa, cá, cà phê và tín dụng đều hoạt động rất hiệu quả và được thế giới đánh giá cao.
Ông Trần Vũ Hoài, Phó chủ tịch đối ngoại Công ty Unilever Việt Nam, đại diện nhóm PPP về chè cho biết, thông qua mô hình PPP, nông dân trồng chè và các chủ nhà máy chế biến chè đã được đào tạo về canh tác nông nghiệp bền vững để đạt các chứng nhận quốc tế. Mỗi năm, Unilever mua 30.000-35.000 tấn chè đạt chứng nhận quốc tế (Rainforest Alliance) để xuất khẩu.
“Mục đích của chúng tôi là giúp thương hiệu chè ‘made in Vietnam’ có tiếng vang giống như thương hiệu cà phê ‘made in Vietnam’ khi xuất khẩu ra thế giới”, ông Hoài nói.
Được biết, các doanh nghiệp tham gia nhóm PPP về chè đã đầu tư 440.000 euro để đào tạo và liên kết mô hình sản xuất với hơn 23.000 nông dân ở 6 tỉnh.
Tương tự, nhóm PPP về thủy sản cũng thu được những kết quả hết sức khả quan. Ông Philippe Bacac, Giám đốc điều hành của Metro Cash & Carry Việt Nam, Trưởng nhóm công tác PPP thủy sản cho biết, Metro cùng các doanh nghiệp tham gia nhóm như Cargill, Fresh Studio… đã xây dựng được chuỗi sản xuất thủy sản đạt chuẩn an toàn quốc tế, giúp thủy sản trong nước dễ dàng vào siêu thị.
Đến nay, nhóm công tác PPP về thủy sản đã đào tạo cho hơn 2.000 nông dân nuôi trồng thủy sản, 400 thương lái về kỹ năng nuôi trồng, sử dụng thuốc và hóa chất an toàn, xử lý, đóng gói, vận chuyển đúng quy trình... Nhờ đó, mỗi năm, có hơn 4.000 tấn thủy sản sạch của mô hình PPP được tiêu thụ trong các siêu thị trên toàn quốc.
Hút vốn FDI vào nông nghiệp
Mô hình PPP từng được kỳ vọng sẽ trở thành chìa khóa mở toang cánh cửa thu hút vốn FDI vào nông nghiệp. Thực tế triển khai cho thấy, vốn FDI chưa thể chảy ngay vào nông nghiệp, khi mô hình sản xuất vẫn chưa có nhiều đổi mới. Hơn nữa, sự tham gia của Nhà nước vào mô hình PPP cũng khá hạn chế, Nghị định về PPP cũng chưa được ban hành.
Tuy vậy, không ngoại trừ, một khi các ngành hàng đã thiết lập được chuỗi giá trị, thì vốn ngoại sẽ đổ mạnh hơn vào nông nghiệp. “Tôi tin rằng, Việt Nam rất có triển vọng thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua các dự án PPP”, ông Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT nói.
Cũng theo ông Sơn, nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam, đầu tư nông nghiệp đang là xu hướng của thế giới. Vì vậy, nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công, vốn đầu tư vào nông nghiệp sẽ tăng mạnh, không chỉ vốn FDI.
Trước mắt, cái được lớn nhất khi triển khai mô hình PPP trong nông nghiệp là người dân được thay đổi quy trình, kỹ thuật sản xuất, đồng thời kết nối được doanh nghiệp và nông dân. Cơ quan quản lý (trực tiếp là Bộ NN&PTNT) cũng nắm bắt kịp thời, chính xác hơn những vướng mắc của thực tế sản xuất để xây dựng, sửa đổi và áp dụng các chính sách quản lý phù hợp.