PPP: 3 “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ

PPP: 3 “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ

(ĐTCK) Nhiều bộ, ngành và địa phương vẫn nặng tư tưởng trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước mà ít chú trọng đến việc huy động sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.

“Dù thế nào, con đường tất yếu Việt Nam phải đi là hợp tác công - tư (PPP). Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn đầu tư ít ỏi từ ngân sách mà phải đẩy mạnh mô hình PPP để tránh bị tụt hậu”. Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại cuộc đối thoại cấp cao về thúc đẩy các dự án PPP với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) diễn ra tại Hà Nội sáng 21/3.

PPP: 3 “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ ảnh 1

Trông chờ “bầu sữa” ngân sách

Tại cuộc đối thoại, ông Watanabe, Tổng giám đốc JBIC nhìn nhận, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Việt Nam là một con số “khổng lồ”, ước tính khoảng 150 - 160 tỷ USD trong 10 năm tới. “Theo kết quả khảo sát của JBIC, năm tài khóa 2012, Việt Nam đứng thứ 5 và được xếp là quốc gia triển vọng cho hoạt động tại nước ngoài về trung và dài hạn của các DN Nhật Bản”, ông Watanabe nói và cho biết, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam mới triển khai được các dự án PPP có tổng số vốn khoảng 8,5 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (26,9 tỷ USD) và Indonesia (38,5 tỷ USD).

Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, có 3 nguyên nhân chính tạo nên những “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện PPP. Theo đó, nguyên nhân quan trọng nhất là tâm lý của các bộ, ngành và địa phương vẫn nặng tư tưởng trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước, mà ít chú trọng đến việc huy động sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân.

Nguyên nhân thứ hai, đây là một lĩnh vực rất mới mẻ nên Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng dự án. Chính vì vậy mà cho đến thời điểm này, Ban chỉ đạo PPP do Chính phủ thành lập cũng chưa nhận được nhiều dự án có tính khả thi cao, thậm chí có nhiều địa phương mới chỉ gửi danh sách tên một vài dự án PPP dự kiến sẽ triển khai nhưng lại không có nội dung cụ thể nào.

Nguyên nhân cuối cùng là mặc dù trong PPP thì nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân và nước ngoài là chính, nhưng nguồn vốn đối ứng của Nhà nước cũng rất quan trọng, tuy nhiên vẫn chưa được bố trí thỏa đáng. “Đến nay, Quốc hội mới phê chuẩn nguồn vốn ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng tập trung ở Trung ương để sẵn sàng cho các dự án PPP được lựa chọn giai đoạn 2013 - 2015”, ông Vinh nói và cho biết, số vốn đối ứng trên có thể sẽ được tăng lên theo số lượng các dự án PPP được phê duyệt.

 

Kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, từ tháng 11/2012, Ban Chỉ đạo về đầu tư PPP được thành lập theo Quyết định số 1624/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là Trưởng ban. Qua 2 năm thí điểm, các đối tác đã bày tỏ sự ủng hộ, quan tâm đến khả năng triển khai PPP tại Việt Nam và nhận định, nếu việc triển khai đảm bảo theo thông lệ quốc tế như đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, thì các đối tác phát triển và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. Cho đến nay, đã  có 2 dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương, gồm: Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (đang mời thầu) và Dự án ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ.

Ông Tăng cũng cho biết, ngoài 2 dự án trên, hiện Ban Chỉ đạo về đầu tư PPP đã nhận được danh mục dự án PPP do các bộ, ngành và địa phương gửi lên, chủ yếu thuộc các lĩnh vực đường bộ; cấp thoát nước, xử lý nước thải và y tế. “Chúng tôi đã phân loại thành 3 nhóm: Nhóm dự án có nội dung tốt, có khả năng sinh lời và tính khả thi cao sẽ được xem xét để triển khai sớm; nhóm dự án có tiềm năng nhưng chưa hoàn chỉnh thì được hướng dẫn hoàn thiện; nhóm dự án chỉ có tên không thì trả lại và yêu cầu xây dựng dự án từ đầu”, ông Tăng cho biết.

Thay mặt JBIC nêu lên những khuyến nghị tại cuộc đối thoại, ông Watanabe cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và những quy định phù hợp với thực tế để triển khai. Đặc biệt, khung pháp lý này phải ổn định và có khả năng dự báo cao, đồng thời với những cam kết của Chính phủ về việc gánh vác thực hiện trách nhiệm một cách phù hợp. “Đây là điều quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam ”, ông Watanabe nói.

Đồng tình với kiến nghị trên, ông Tăng cho biết, Ban Chỉ đạo về đầu tư PPP đang tập hợp để kiến nghị 15 vấn đề tại Quyết định 71/2010/QĐ-TTg cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế khi triển khai PPP. Ban chỉ đạo cũng đang xây dựng các tiêu chí để lựa chọn dự án đề xuất thí điểm PPP dưới dạng cẩm nang để ban hành. “Thứ Hai tuần tới, chúng tôi sẽ tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư quốc tế tại Singapo để sửa đổi Quyết định 71 cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện sau này”, ông Tăng nói.

Cũng tại buổi đối thoại trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và ông Watanabe đã ký kết biên bản hợp tác về thúc đẩy các dự án PPP tại Việt Nam giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JBIC.

 

"Xã hội hóa" nguồn vốn đầu tư hạ tầng

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là dự án đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm theo hình thức PPP. Nhà đầu tư thứ nhất của Dự án là Công ty TNHH tập đoàn BITEXCO, sẽ đóng góp 60% vốn. Nhà đầu tư thứ hai được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế theo quy định tại cơ chế này và phù hợp với hướng dẫn của nhà tài trợ. Nhà đầu tư thứ hai sẽ cùng với Nhà đầu tư thứ nhất thành lập DN để triển khai Dự án. Nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Nguồn vốn do khu vực tư nhân huy động và nguồn vốn của Chính phủ huy động.

Tại dự án này, Chính phủ sẽ bảo lãnh cho Nhà đầu tư thứ nhất vay vốn từ nguồn tín dụng IBRD của Ngân hàng Thế giới để thực hiện và đây là một trong các chính sách ưu đãi đầu tư đối với Dự án. Theo giới phân tích, sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình "xã hội hóa" nguồn vốn đầu tư hạ tầng, theo hình thức mới và rất hứa hẹn này.