PPC: “Blue-chip” đầu ngành

PPC: “Blue-chip” đầu ngành

(ĐTCK) PPC, cổ phiếu của CTCP Nhiệt điện Phả Lại là một trong những đại diện hiếm hoi của doanh nghiệp ngành điện nằm trong “rổ” để tính chỉ số VN30.

Là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trong ngành đang niêm yết, PPC đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vì hiệu quả hoạt động kinh doanh đạt được.

PPC: “Blue-chip” đầu ngành ảnh 1

6 tháng đầu năm, PPC đạt hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

Kinh doanh hiệu quả

Ngành điện lâu nay vẫn được đánh giá là ngành có khả năng phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế do nhu cầu về điện năng ngày càng tăng cao, phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước. Lợi thế ngành đã phần nào hỗ trợ cho PPC kinh doanh hiệu quả hơn.

Với PPC, tạm chưa bàn đến cơ hội hay rủi ro từ biến động tỷ giá đồng Yên so với VND, nhìn vào hoạt động kinh doanh chính của PPC cho thấy, Công ty vẫn đang duy trì mức tăng trưởng đều qua từng quý, từng năm. Mặc dù vậy, do đặc thù giá bán điện của các doanh nghiệp ngành điện đang bị nhà nước quản lý để kiểm soát chi phí đầu vào của nền kinh tế, nên tính đột biến về kết quả hoạt động kinh doanh của PPC cũng như các doanh nghiệp trong ngành nói chung là rất khó.

Ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng PPC cho hay, mục tiêu của Công ty là duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, ổn định qua từng giai đoạn. Để đạt được điều này, Công ty phải tiếp tục bảo đảm vận hành nhà máy an toàn, kinh tế, đồng thời không ngừng tìm kiếm các cơ hội đầu tư để phát triển bền vững và định hướng đầu tư vào các dự án điện để phát triển chuyên sâu.

Cụ thể, PPC vừa quyết định nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại CTCP Nhiệt điện Hải Phòng bằng việc mua thêm 15 triệu cổ phần của công ty này. Theo đánh giá của PPC, Nhiệt điện Hải Phòng là một trong các dự án nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, suất đầu tư hợp lý, có đội ngũ quản lý vận hành tốt. Nhà máy đã gần xong giai đoạn xây dựng. Vì vậy, quyết định đầu tư thêm vào Nhiệt điện Hải Phòng sẽ giúp Công ty nâng cao hiệu quả nguồn tài chính của mình và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, PPC cũng đang nghiên cứu để tiếp tục đầu tư vào các dự án điện khác và thực hiện đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy điện theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, PPC cũng tham gia đầu tư tài chính ngắn và dài hạn từ các nguồn lợi nhuận để lại, nhằm gia tăng nguồn thu, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông và nhà đầu tư.

 

Bluechip của ngành

Trong các báo cáo cập nhật về ngành điện gần đây, nhiều CTCK đưa ra nhận định, cổ phiếu ngành điện là một trong những cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư dài hạn. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư vào những ngành có tính chất phòng thủ cao như ngành điện được xem là sự lựa chọn hợp lý. Xét riêng cổ phiếu ngành điện thì PPC có lẽ là cổ phiếu có sức hút lớn nhất. PPC liên tiếp được khối ngoại mua ròng trong thời gian gần đây. Không chỉ được khối ngoại quan tâm, PPC cũng là “điểm” đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp trong nước. Đơn cử trong hai năm gần đây, CTCP Cơ điện lạnh (REE) liên tiếp mua vào PPC và đã nâng số lượng nắm giữ lên 70.807.070 cổ phiếu, chiếm 22,26% vốn điều lệ.

Ngoài sức hút lớn từ hoạt động kinh doanh hiệu quả và ổn định, việc chỉ số P/E của ngành điện thấp hơn so với bình quân P/E thị trường cũng là một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư.

Với tiềm lực tài chính, được hưởng lợi từ biến động tỷ giá cùng với khả năng quản lý, vận hành ổn định nhà máy của Ban lãnh đạo PPC, kết quả kinh doanh của PPC trong 3 quý đầu năm khá khả quan, tạo niềm tin cho các cổ đông và nhà đầu tư - những “ông chủ” thực sự của doanh nghiệp.