Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn duy trì mức tăng trưởng, đạt 749 tỷ đồng (tăng 3,8% so với cùng kỳ), đây cũng được xem là một kỷ lục mới từ trước tới nay.
Lý giải cho các số liệu tài chính trên, PNJ chia sẻ đây là nỗ lực của Ban điều hành và tập thể PNJ trong hành trình F5 – Refresh – Nhấn nút tái tạo, tối ưu hóa tồn kho và thực hiện chiến lược mới về cơ cấu hàng hóa.
Cụ thể, mức tăng trưởng của mảng trang sức bán lẻ trong quý I duy trì mức tương đương so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào sự thành công của bộ sưu tập mới và triển khai chiến lược marketing và chương trình bán hàng hiệu quả, thu hút thêm nhiều khách hàng mới.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp trung bình quý I/2023 đạt 19,4% so với mức 17,4% cùng kỳ do sự thay đổi cơ cấu hàng bán. Tổng chi phí hoạt động tăng 13,2%; tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp tăng từ mức 46,5% lên mức 49% do nền giá cao hơn bởi ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.
Tính đến cuối tháng 3/2023, hệ thống PNJ có 371 cửa hàng tại 55/63 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, có 350 cửa hàng PNJ Gold, 7 cửa hàng PNJ Silver, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 5 cửa hàng Style by PNJ và 3 cửa hàng PNJ Watch và 3 cửa hàng PNJ Art, mở mới 8 cửa hàng PNJ Gold.
Kết thúc năm 2022, PNJ đạt mức lợi nhuận sau thuế 1.811 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc 176%. Nhằm ghi nhận nỗ lực và khích lệ người lao động, PNJ cũng vừa công bố việc Hội đồng quản trị trình Đại hội đồng cổ đông xem xét phê duyệt về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 có điều chỉnh giá phát hành dựa trên kết quả lợi nhuận sau thuế thực hiện năm 2022.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/4, cổ phiếu PNJ đứng tại mức giá 77.000 đồng/CP.