PMI toàn cầu: Bức tranh đảo màu

PMI toàn cầu: Bức tranh đảo màu

(ĐTCK) Lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua, các nhà sản xuất của Nhật Bản cảm thấy lạc quan.

Trung Quốc tiếp tục công bố những dữ liệu kinh tế yếu hơn, trong đó có sự suy giảm của Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), tương phản với những cải thiện đáng kể về niềm tin kinh doanh ở Nhật Bản. Trong khi đó, chỉ số PMI của một số nước ngoại vi khu vực đồng euro đã vượt qua mức 50, cho thấy dấu hiệu ổn định trở lại ở khu vực này.

 

Trung Quốc

Chỉ số PMI của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 6. Chỉ số PMI chính thức giảm từ mức 50,8 trong tháng 5 còn 50,1 trong tháng 6. Đây là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng, cho thấy, các nhà máy của Trung Quốc gần như đã ngừng mở rộng. Chỉ số PMI theo khảo sát của HSBC đối với các doanh nghiệp nhỏ ở khu vực tư nhân cũng giảm còn 48,2 điểm trong tháng 6.

 

Nhật Bản

Báo cáo quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy sự lạc quan của các nhà sản xuất lớn lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua. Chỉ số chính đo lường niềm tin kinh doanh đã tăng từ mức -8 trong tháng 3 lên +4 vào tháng 6. Tâm lý cũng tốt hơn ở các doanh nghiệp còn lại, với chỉ số tính riêng cho khu vực này tăng lên mức +12, từ mức +6 của tháng 3.

Cũng theo khảo sát của BoJ, các công ty đang có kế hoạch tăng đầu tư vào bất động sản, máy móc thiết bị trong những tháng tới. Dự đoán, đầu tư vào tài sản cố định ở tất cả các doanh nghiệp lớn, thuộc mọi ngành sẽ tăng 5,5% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4.

 

Úc

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Úc đã tăng 5,8 điểm lên mức 49,6 điểm trong tháng 6, mức cao nhất kể từ đầu năm 2012. Chỉ số này đã tăng gần 13 điểm trong hai tháng qua, cho thấy, lãi suất thấp kỷ lục và sự giảm giá sâu của đồng đô la Úc đang giúp sức cho khu vực này. Tuy nhiên, chỉ số PMI vẫn thấp hơn 50, mức đánh dấu sự mở rộng về quy mô.

 

Ấn Độ

Chỉ số PMI chính thức tăng vừa phải trong tháng 6, lên 50,3 điểm từ mức 50,1 của tháng 5. Tuy nhiên, tổng số các đơn đặt hàng mới đã giảm xuống lần đầu tiên trong hơn 4 năm qua do nhu cầu nội địa yếu đi.

 

Đài Loan

Chỉ số PMI tháng 6 của nền kinh tế này cho thấy, sản xuất đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù nhịp giảm chậm hơn so với tháng 5. Chính quyền đã cắt giảm lãi suất trong tuần qua, nhưng các nhà kinh tế nói rằng, các nhà điều hành phải thực hiện những đề xuất kích thích gần đây để nền kinh tế hướng về xuất khẩu này hồi phục. “Hoạt động kinh doanh vẫn đang cảm thấy sức nặng từ nhu cầu yếu ớt của phương Tây và nhu cầu đang chậm lại ở đại lục”, Donna Kwok, nhà kinh tế am hiểu về Trung Quốc của HSBC nói hôm thứ Hai.

 

Indonesia

Hoạt động sản xuất ở Indonesia đã mở rộng trong tháng 6, dù với nhịp chậm hơn, trong khi các đơn đặt hàng xuất khẩu lần đầu tiên giảm xuống trong vòng 4 tháng, theo chỉ số PMI của HSBC Markit. Chỉ số này trong tháng 6 là 51,0 so với mức 51,6 của tháng 5 và là mức thấp nhất trong 4 tháng gần đây. Lạm phát ở đất nước vạn đảo này đã tăng lên 5,9% trong tháng 6. Dự đoán của thị trường cao hơn mức này chút ít, với 6%, khi giá xăng tăng đến 44% và giá dầu đi-ê-den tăng 22%.

 

Khu vực đồng euro

Sản xuất ở khu vực đồng tiền chung đang có dấu hiệu ổn định trở lại với tốc độ thu hẹp chậm lại. Chỉ số PMI nơi đây đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 16 tháng qua, đạt 48,8 điểm trong tháng 6, so với mức 48,3 điểm của tháng trước đó.

“Cả sản lượng và số đơn đặt hàng mới chỉ giảm nhẹ trong tháng 6, và với đà này, tăng trưởng có lẽ sẽ trở lại với khu vực trong quý III này”, Chris Williamson, kinh tế trưởng của Markit nói.

Sự cải thiện đã xuất hiện ở khu vực ngoại vi với chỉ số PMI của Italia mạnh hơn dự báo, đạt 49,1 điểm, mức cao nhất trong 2 năm qua. Trong khi đó, Tây Ban Nha, lần đầu tiên trong 26 tháng qua, chỉ số PMI đã trở lại mức 50 điểm.

 

Mỹ

Khu vực nhà máy ở Mỹ đã bắt đầu tăng trưởng trở lại trong tháng 6 với chỉ số nhà quản trị mua hàng tăng từ 49 lên mức cao hơn cả dự đoán, 50,9 điểm.

Vài cấu phần quan trọng trong chỉ số của Mỹ, như sản lượng và các đơn đặt hàng mới, đã mạnh lên và có thể làm dịu bớt những lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng việc làm trong khu vực nhà máy vẫn yếu.

Sự pha trộn giữa tăng trưởng tốt hơn nhưng việc làm còn yếu không đem đến cho Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lý do để vội vàng thu giảm chương trình mua trái phiếu, điều mà các thị trường cũng ủng hộ.

 

Có thể thấy, bức tranh về hoạt động sản xuất đang có xu hướng chuyển gam sáng từ các thị trường mới nổi sang các nền kinh tế phát triển, mặc dù nhìn chung, tăng trưởng dương vẫn thuộc về các thị trường mới nổi.