Báo cáo nhận định, tăng trưởng sản lượng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 10 đã quay trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng kỷ lục nhờ sự gia tăng nhu cầu. Trong bối cảnh năng lực sản xuất bị hạn chế xuất hiện ngày càng rõ nét, số lượng nhân công tiếp tục được tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn, trong khi các công ty tăng lượng tồn kho hàng hóa đầu vào nhằm đề phòng sản xuất sẽ còn tăng trưởng thêm.
Tương ứng với kết quả của tháng 9 cao thứ nhì trong lịch sử khảo sát, PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa kết quả của tháng 10 vẫn duy trì ở mức 51,5 điểm. Các điều kiện sản xuất chung liên tục được cải thiện sau khi đã có bốn tháng suy giảm. Tăng trưởng sản lượng quay lại là yếu tố hỗ trợ giúp ngành sản xuất trong tháng 10 tăng lên. Mặc dù chỉ ở mức khá khiêm tốn nhưng đây là lần đầu tiên tăng trưởng được ghi nhận kể từ tháng 4.
Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết sản lượng tăng sau khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng đơn hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ tăng nhanh nhất trong lịch sử khảo sát.
Nhu cầu cơ bản của khách hàng được nhiều người đánh giá là đã cải thiện, và các công ty cho biết họ đã tận dụng được môi trường kinh tế đang dần vững mạnh thông qua việc giới thiệu các sản phẩm mới và đồng thời cũng nâng cao danh tiếng doanh nghiệp.
Doanh thu đơn hàng xuất khẩu mới cũng được báo cáo tăng trong suốt tháng 10, mặc dù mức tăng nhẹ hơn so với tháng 9. Tuy nhiên, đây là tháng thứ hai liên tiếp số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới được ghi nhận tăng, và đà tăng trưởng vẫn còn mạnh.
Trong tháng 10, trước tình hình đơn đặt hàng mới và sản lượng đều tăng, các thành viên nhóm khảo sát đã phải tăng số lượng nhân công trong tháng thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng nhân công khá nhẹ và thấp hơn so với mức mức tăng kỷ lục của tháng 9 vừa qua.
Việc xuất hiện áp lực đối với năng lực sản xuất cũng đã khuyến khích các công ty tăng số lượng việc làm trong các nhà máy của họ. Lượng công việc tồn đọng trong tháng 10 tăng không đáng kể sau 18 tháng giảm liên tục.
Các thành viên nhóm khảo sát cũng đã cho thấy một triển vọng tích cực trong tháng 10 khi hoạt động mua hàng tiếp tục tăng và tồn kho hàng hóa đầu vào lầu đầu tiên tăng kể từ tháng 10.2011. Các nhà sản xuất cho rằng tăng trưởng có được là nhờ vào những nỗ lực đáp ứng mức tăng hiện tại và họ cũng kỳ vọng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tăng trong những tháng tới.
Ở khía cạnh giá cả, chi phí đầu vào tiếp tục tăng với tốc độ đáng kể. Các nhà sản xuất cho biết tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đã khiến giá cả tăng lên. Tuy nhiên, các nhà cung cấp vẫn có thể cải thiện nhẹ thời gian giao hàng đối với những đơn đặt hàng mà họ có thể đáp ứng. Cũng có những báo cáo cho rằng sức ép cạnh tranh đã khiến các nhà cung cấp phải rút ngắn thời gian giao hàng ở bất cứ lúc nào có thể.
Trước tình trạng chi phí đầu vào trung bình tiếp tục tăng, các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng giá bán lần đầu tiên kể từ tháng 3.
Trinh Nguyen Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC nói: “Kết quả chỉ số PMI tiếp tục được cải thiện cho thấy hoạt động sản xuất ở trong nước đang dần ổn định. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh tế tiếp tục được thúc đẩy nhờ vào hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ với sự hỗ trợ của nguồn vốn FDI ổn định. Điều này sẽ giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn cắt giảm nợ, với dòng vốn nước ngoài đang đổ vào cân bằng với nhu cầu yếu kém ở trong nước”.