Theo Caixin/Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng từ 50,4 điểm trong tháng 8 lên 51,4 điểm trong tháng 9, cao hơn so với con số 50,2 điểm do các nhà phân tích dự đoán trước đó.
Các đơn đặt hàng mới trong tháng 9 đã tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2018, cho thấy nhu cầu tăng từ thị trường nội địa, tuy nhiên các đơn hàng xuất khẩu mới lại tiếp tục giảm.
Các nhà phân tích lưu ý rằng, cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ là yếu tố tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Trung Quốc.
Chỉ sổ sản lượng cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2018. Bên cạnh đó, chỉ số việc làm trong lĩnh vực sản xuất vẫn giữ nguyên không thay đổi trong tháng thứ hai liên tiếp.
"Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã có tác động đáng kể đến xuất khẩu, chi phí sản xuất và niềm tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, triển khai hiệu quả hơn chiến lược hiện đại hóa trong lĩnh vực công nghiệp, cũng như thuế và phí thấp hơn có thể bù đắp cho các tác động tiêu cực từ bên ngoài và giảm áp lực đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc", ông Zhong Zhengsheng, Giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô của Tập đoàn CEBM, cho biết.
Trước đó, PMI chính thức cũng đã được Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm thứ Hai (30/9). PMI chính thức tháng 9 được ghi nhận đạt mức 49,8 điểm, và là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số này nằm dưới mức 50. Mặc dù vậy, PMI chính thức tháng 9 cũng đã tăng nhẹ so với hồi tháng 8 (49,5 điểm).
Sự khác biệt của 2 chỉ số là bởi, nghiên cứu của Caixin/Markit tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, chỉ số PMI chính thức khảo sát thiên về các công ty lớn và doanh nghiệp nhà nước. Dù khác nhau về giá trị, nhưng xu hướng tăng là giống nhau.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra được hơn một năm. Căng thẳng trong thương mại gây áp lực đáng kể cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP của Trung Quốc trong quý II chỉ tăng 6,2% (tính theo năm), tốc độ thấp nhất trong vòng 27 năm qua.