Điều kiện kinh doanh được cải thiện
PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa vừa được HSBC công bố cho thấy, điểm số đã tăng trong hai tháng liên tiếp, đạt 53,5 điểm trong tháng 4 và 54,8 điểm trong tháng 5. Mức độ cải thiện về điều kiện hoạt động thể hiện bằng kết quả chỉ số của tháng 5 là mạnh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện trong suốt 21 tháng qua.
Nhân tố chính dẫn đến sự cải thiện đáng kể của lĩnh vực sản xuất là mức tăng kỷ lục của số lượng đơn đặt hàng mới. Những người trả lời khảo sát cho biết, mức tăng này chủ yếu phản ánh nhu cầu sản phẩm lớn hơn từ phía khách hàng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng, mặc dù tốc độ tăng yếu hơn nhiều so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới. Khi nhu cầu của khách hàng tăng lên, các nhà sản xuất đã tăng sản lượng thêm tương ứng. Vì lý do này, sản lượng đã tăng tháng thứ 20 liên tục và với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử của chỉ số.
Một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, chỉ số PMI cao là nhờ tốc độ lạm phát nhẹ và các công ty tiếp tục hạ giá đầu ra do áp lực cạnh tranh, dù chi phí đầu vào của các công ty trong ngành sản xuất của Việt Nam tăng trong tháng 5.
Ông Andrew Harker, chuyên viên kinh tế cao cấp của Markit cho biết: “Khả năng của các công ty Việt Nam trong việc giành được các đơn đặt hàng mới trong một môi trường cạnh tranh và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm giá tiền đồng 1% so với đô la Mỹ đã trợ giúp cho các nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế. Mặc khác, một số công ty chia sẻ, chi phí tăng do đồng tiền trong nước yếu hơn, dẫn đến tăng giá hàng hóa đầu vào lần đầu tiên trong thời kỳ 7 tháng”.
Hai nguy cơ
Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế của HSBC nhận xét, trong khi cạnh tranh về lao động, cắt giảm thuế và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đang là những yếu tố thúc đẩy tình hình đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu của DN, thì các trong nước lại thiếu khả năng tận dụng năng lực cạnh tranh vốn có của mình. Xuất khẩu của các DN nước ngoài không liên quan đến sản phẩm dầu mỏ trong tháng 5 đã tăng 18% kể từ đầu năm đến nay, trong khi các DN trong nước có hoạt động xuất khẩu tiếp tục suy yếu, giảm 1,7%.
Thực tế cho thấy, chu kỳ hàng hoá toàn cầu suy giảm, nợ cao và hỗ trợ của Chính phủ nhằm nâng cao năng suất bị hạn chế và tiền đồng Việt Nam trong giao dịch thương mại đang tăng giá là những nguyên nhân đằng sau các kết quả hoạt động không mấy hứng khởi của các DN trong nước. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng sụt giảm với số lượng khách nước ngoài giảm 12,6% so với đầu năm.
Song song với đó, nhu cầu trong nước đang dần cải thiện với mức tăng trưởng tín dụng 4,3% so với tháng 12/2014 đã kích thích nhu cầu nhập khẩu trong nước, từ nhập xe hơi đến máy móc. Theo Tổng cục Hải quan, mức thâm hụt thương mại từ đầu năm đến giữa tháng 5 lên đến 3,7 tỷ USD. Mức thâm hụt này chưa thực sự đáng lo ngại, nhưng gây thêm áp lực mất giá của tiền đồng, đặc biệt là khi nguồn thu từ khách du lịch vào Việt Nam giảm và danh mục đầu tư suy yếu nếu như tình hình không sớm chuyển biến.
Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 6/2015 của Khối Nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC cho rằng, nguy cơ thứ nhất đến từ việc Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ để bù đắp cho những thiếu hụt vốn tài trợ, thanh khoản. Điều này có thể trở thành một vấn đề đặc biệt trong thời điểm mà NHNN cần sử dụng nguồn dự trữ của mình để ổn định tiền đồng. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam mặc dù tăng cao, nhưng vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế.
Nguy cơ thứ hai là vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam. Nếu như mức thâm hụt này nhiều hơn 10 tỷ USD, NHNN sẽ phải sử dụng một khoản đáng kể trong nguồn dự trữ của mình để hỗ trợ cho tiền đồng. Tổng cục Thống kê đã ước tính mức thâm hụt thương mại trong 5 tháng đầu năm ít hơn 3 tỷ USD, trong khi số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, mức thâm hụt là 3,5 tỷ USD, vì Tổng cục Thống kê cho rằng, xuất khẩu sẽ hồi phục trong nửa sau của tháng 5, trong khi nhập khẩu sẽ chậm lại.