Chiếc ca nô đã bị chìm ngày 1/4/2018 tại Khu phố 5, Đông Dương, Phú Quốc, Kiên Giang khi đang neo đậu tại bến trong đêm, chỉ còn phần nóc nhô lên mặt nước.
Theo báo cáo giám định của Công ty Giám định Đông Dương ngày 14/5/2018, lý do chìm này là trong quá trình buộc neo ca nô, thuyền trưởng đã buộc dây neo ca nô (ở hai điểm cột dây phía mũi và sau lái bên mạn phải) quá căng, kết hợp với nước thủy triều lên xuống vào tối 1/4/2018 đã làm cho ca nô bị nghiêng trái, cộng với các phương tiện khác qua lại tạo sóng đánh vào ca nô dẫn đến nước sông tràn vào khoang sau lái của ca nô (chỉ còn một phần mạn phải được cột căng dây là nằm trên mặt nước).
Thời điểm đó, chủ phương tiện cũng không phát hiện kịp thời sự cố nên đã không ứng cứu kịp thời để xử lý, khiến nước sông tràn vào ca nô, làm cho ca nô bị chìm và gây ra tổn thất trên.
Còn theo báo cáo giám định cũng của nhà giám định trên vào ngày 11/6/2018 thì trong lúc ca nô SG-7809 neo đậu vào tối 1/4/2018, khi nước thủy triều cạn đã làm cho ca nô bị nghiêng trái (trong tình trạng ca nô bị buộc dây căng ở phía mũi và sau lái bên mạn phải).
Sau đó, thủy triều lên kết hợp với các phương tiện qua lại trên sông tạo sóng đánh vào ca nô dẫn đến nước sông tràn vào khoang sau lái của ca nô (chỉ còn một phần mạn phải được cột căng dây là nằm trên mặt nước).
Thời điểm đó, chủ phương tiện không phát hiện kịp thời sự cố nên đã không ứng cứu kịp thời để xử lý và nước sông tràn vào ca nô làm cho ca nô bị chìm và gây ra tổn thất.
Căn cứ Điều 6, Chương 3, Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của Quy tắc bảo hiểm thân tàu thủy nội địa, PJICO không chịu trách nhiệm bồi thường bởi mọi nguyên nhân kể cả những hiểm họa được bảo hiểm nếu tổn thất xảy ra có thể trực tiếp hoặc gián tiếp được quy hợp lý bởi những nguyên nhân sau: một là, hành động cố ý hoặc quá cẩu thả của người được bảo hiểm hoặc người thừa hành; hai là, vi phạm lệnh cấm do các cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành hoặc hoạt động kinh doanh trái phép; ba là, vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường thủy nội địa; bốn là, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên không có bằng hoặc chứng chỉ theo quy định (trừ khi có thỏa thuận khác bằng văn bản giữa người được bảo hiểm và PJICO); năm là, do vỏ, máy móc hoặc trang thiết bị của tàu quá cũ kỹ hay bị hao mòn tự nhiên; sáu là, tàu bị mắc cạn bởi ảnh hưởng của thủy triều hoặc con nước lên xuống…
Căn cứ vào 2 báo giám định ngày 14/5 và 11/6/2018 của Công ty Giám định Đông Dương, ngày 21/6 vừa qua, nhà bảo hiểm PJICO đã ra quyết định từ chối bồi thường cho thiệt hại trên với lý do tổn thất thuộc điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại Quy tắc bảo hiểm thân tàu nội địa kèm theo hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa 2 bên ngày 18/11/2017: “Tàu bị mắc cạn bởi ảnh hưởng của thủy triểu hoặc con nước lên xuống nên không thuộc phạm vi được bảo hiểm”.
Hiện khách hàng trên đã chuyển hồ sơ vụ việc tới đơn vị tư vấn bảo hiểm là Công ty Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA, và đơn vị này đã gửi thư đến PJICO yêu cầu làm rõ lại nguyên nhân từ chối bồi thường. Tổng số tiền ước đòi bồi thường hơn nửa tỷ đồng.
Đại diện TILA cho biết, theo quy định hiện hành thì trong suốt quá trình giám định, nhà giám định có thể đưa ra các báo cáo khác nhau, thay đổi về mặt câu chữ, nhưng báo cáo giám định cuối cùng mới có giá trị pháp lý.
“Chúng tôi đang chờ đợi bản báo cáo cuối cùng. Theo ủy quyền của khách hàng, chúng tôi sẽ khởi kiện nhà bảo hiểm này (PJICO) ra tòa vì lý do từ chối bồi thường không đủ thuyết phục. Nhà giám định bảo hiểm chưa có kết luận cuối cùng thì làm sao bên bảo hiểm có thể ra văn bản từ chối bồi thường”, đại diện TILA nói.
Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.