Phương thức “lấp đầy” nguồn nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
Giữ chân nhân tài ở lại với doanh nghiệp là mục tiêu tiên quyết của một thương hiệu tuyển dụng tốt, nhưng không phải là thước đo duy nhất để đánh giá điều này.
Theo các chuyên gia tại tọa đàm, những gì đang diễn ra trên thị trường lao động, việc làm chỉ là những khó khăn trước mắt

Theo các chuyên gia tại tọa đàm, những gì đang diễn ra trên thị trường lao động, việc làm chỉ là những khó khăn trước mắt

Gam màu sáng tối

Lễ công bố Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam và Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2022 cùng Tọa đàm với chủ đề “Tạo dựng nơi làm việc tốt - Chìa khóa cho phát triển bền vững” do Công ty cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) phối hợp Báo Đầu tư tổ chức mới đây đã xới lên vấn đề khá nóng thời điểm cuối năm.

Bức tranh thị trường nhân sự đang thể hiện nhiều gam màu. Tác động bất lợi của kinh tế thế giới đang khiến những ngành nghề hút lao động lớn nhất tại Việt Nam như da giày, dệt may, gỗ buộc phải cắt giảm giờ làm, việc làm. Đặc biệt, thay vì ồ ạt bán hàng giữa mùa cao điểm quý IV như mọi năm, các doanh nghiệp địa ốc hiện hoạt động cầm chừng vì ế ẩm, nợ lương, giảm nhân sự để tồn tại.

Dẫu vậy, theo các chuyên gia, những gì đang diễn ra trên thị trường lao động, việc làm chỉ là những khó khăn trước mắt. Phần lớn những gương mặt phụ trách nhân sự tại các doanh nghiệp có phần hứng khởi, bởi thị trường lao động đã phục hồi toàn diện và có chuyển biến rất tích cực về cơ cấu và nhu cầu việc làm. Vấn đề còn lại của các doanh nghiệp là tạo ra một môi trường việc làm tốt, phát triển bền vững hơn.

Trước đại dịch, các yếu tố như chế độ đãi ngộ, phúc lợi đi kèm luôn là điều kiện căn bản khiến nhân sự cân nhắc lựa chọn để gắn bó công việc. Song giờ đây, trước áp lực cạnh tranh của thị trường lao động, đã xuất hiện thêm nhiều đòi hỏi hơn. Người lao động tìm kiếm một nơi làm việc tốt, một nhà tuyển dụng có trách nhiệm với nhiều triển vọng phát triển, tạo cơ hội cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Trước sức ép cạnh tranh của thị trường lao động, trước xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong môi trường làm việc, người lao động cũng đã ý thức rõ nét hơn về việc chủ động hoàn thiện, trau dồi chuyên môn, kỷ luật và cập nhật kiến thức mới nhằm tránh bị tụt hậu.

Vẫn “khát” nhân lực chất lượng cao

Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc điều hành Viet Research, xu hướng tuyển dụng mới phụ thuộc vào giới trẻ. Giới trẻ ngày nay rất khác biệt và sẽ khó có thể hình dung hết được những tố chất của thế hệ năng động này. Vậy nên, trong thời gian tới, câu chuyện tuyển dụng và giữ chân nhân sự sẽ phụ thuộc vào yếu tố hợp tác, không phải là chuyện làm công - ăn lương.

Môi trường tốt đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tuyển dụng và giữ chân nhân sự. Cơ sở vật chất tốt, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên tốt, văn hóa giao tiếp tốt, tinh thần teamwork cao… là yếu tố mà người lao động và chính doanh nghiệp đang gây dựng để cùng nhau tạo nên một môi trường làm việc tốt.

“Nếu người lao động yêu thích công nghệ và mong muốn trở thành một nhân viên ngân hàng xứng tầm với tài năng của bản thân và muốn làm việc trong một không gian văn phòng chuyên nghiệp, hiện đại, thì Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) chính là nơi làm việc lý tưởng”, ông Trần Hồng Minh, Phó tổng giám đốc KienlongBank tự tin.

KienlongBank đã xây dựng một môi trường làm việc mà các thế hệ nhân sự kế cận luôn được chú trọng phát triển, tạo cơ hội và động lực để phấn đấu và được trao những trọng trách quan trọng trong toàn hệ thống. Đặc biệt, không gian làm việc đậm chất công nghệ và thể hiện rõ nét bản sắc, tinh thần trẻ trung, năng động sáng tạo từ lối sống đến phong cách làm việc cũng là mục tiêu để ngân hàng này nhắm đến thu hút nhóm nhân sự thuộc Gen Z.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang được đánh giá cao nhờ việc có thể tạo ra một môi trường làm việc công bằng, phát huy tư duy đổi mới cũng như khuyến khích mỗi cá nhân tự tin thể hiện cá tính trong công việc... Theo bà Nikki Đặng Mỹ Quyên, Giám đốc Khối Quản trị nguồn nhân lực của Techcombank, chiến lược con người của Techcombank luôn hướng tới việc khơi dậy tiềm năng của nhân viên.

“Chúng tôi luôn cố gắng để mỗi nhân viên của mình trở thành phiên bản tốt hơn của chính họ, vượt trội hơn mỗi ngày theo đúng định vị mà thương hiệu Techcombank hướng đến”, bà Nikki Đặng Mỹ Quyên nói.

Trong bối cảnh “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, để đáp ứng hành trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều doanh nghiệp, Techcombank triển khai chiến dịch tuyển dụng nhân tài gốc Việt tại các quốc gia như Singapore, Anh và Mỹ trở về nước làm việc và cống hiến. Đây được xem như một dấu ấn tiên phong, một “hiện tượng” khi thu hút hàng ngàn hồ sơ ứng tuyển của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ngoài lãnh thổ.

Đi cùng với đó là các chương trình phát triển năng lực lãnh đạo được thiết kế riêng cho từng cấp độ quản lý, các quản trị viên tập sự, đã và đang chứng minh cho những giá trị cốt lõi mà Techcombank dành cho đội ngũ hơn 13.000 nhân viên, hướng tới “lấp đầy” mục tiêu ổn định nguồn nhân lực cho những chiến lược phát triển tiếp theo.

Có thể nói, một thương hiệu tuyển dụng tốt là chất xúc tác giúp gắn kết các ứng viên và doanh nghiệp, phát huy được những điểm mạnh và giá trị cốt lõi của ứng viên… Đặc biệt, phải khơi dậy niềm tự hào và tính gắn bó của ứng viên về doanh nghiệp, qua đó hình thành những ấn tượng tốt trong tâm trí ứng viên ngay cả khi họ đã rời đi.

Tin bài liên quan